Bàn về quản lý hoạt động thanh toán, nhằm chấm dứt chuyển tiền chui trực tuyến từ Việt Nam sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính, các nhà quản lý, luật sư đã đề cập đến hiện tượng khách du lịch Trung Quốc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bằng Nhân dân tệ (CNY) thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS), mã phản hồi nhanh (QR Code) của Alipay, Wechat Pay được đăng ký và kết nối trực tiếp với các ngân hàng ở Trung Quốc, không thông qua bất kỳ ngân hàng nào cũng như hệ thống thanh toán nào của Việt Nam.
Các chuyên gia cảnh báo, hoạt động thanh toán chui này vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng CNY. Đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, nhưng không thu được tiền về Việt Nam; hành vi này còn gây thất thoát thuế và ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia do các giao dịch được hoàn toàn xử lý tại Trung Quốc.
Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động thẻ ngân hàng có quy định về hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ như sau: “Đơn vị chấp nhận thẻ chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ ở Việt Nam hoặc của tổ chức thanh toán thẻ ở nước ngoài”. Như vậy, bên cạnh việc vi phạm quy định về quản lý ngoại hối, hoạt động thanh toán chui qua POS, QR Code còn vi phạm quy định về sử dụng, thanh toán thẻ trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Điểm b, Khoản 6, Điều 28 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ, hành vi phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.
Để có thể quản lý tốt hoạt động thanh toán ngăn chặn chuyển tiền chui trực tuyến, trước hết cần tìm hiểu cơ chế thanh toán, tìm hiểu bản chất của các phương thức thanh toán này.
1. Thanh toán qua POS và đề xuất giải pháp quản lý
POS là gì? Quy trình thanh toán qua POS
POS (viết tắt của Point of Sale) là thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ. POS được thiết kế nhỏ gọn, cầm chắc trong lòng bàn tay, dễ dàng lắp đặt tại các cửa hàng của trung tâm thương mại, tại các cửa hàng lớn nhỏ mà không tốn nhiều thời gian. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự có mặt của POS tại các điểm mua sắm, các quầy thu ngân của các siêu thị, cửa hàng…
POS có thể đọc dữ liệu trên tất cả các loại thẻ (thẻ ATM, thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế). Để thực hiện thanh toán, POS phải được kết nối với ngân hàng phục vụ bên bán hàng, thông thường trên cơ sở thỏa thuận (hợp đồng) giữa ngân hàng và bên bán hàng, trong đó có điều khoản về phí thanh toán mà bên bán hàng phải trả cho ngân hàng để ngân hàng chia sẻ lại cho các bên liên quan.
Khách du lịch khi đến một quốc gia nào đó, họ thường mua sắm, ăn uống, trả tiền dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Quy trình thanh toán diễn ra trong chốc lát, nhưng trải qua các bước khá phức tạp. Ví dụ, khi quẹt thẻ VISA ở một nhà hàng, POS sẽ chuyển thông tin thẻ và hóa đơn từ quầy thanh toán về ngân hàng phục vụ nhà hàng đó. Tại đây, thông tin sẽ được gửi tiếp đến hệ thống thẻ VISA, hệ thống này gửi tiếp thông tin tới ngân hàng phát hành thẻ, nếu ngân hàng phát hành thẻ chấp nhận thì giao dịch mới được thực hiện. Ví dụ, chi phí cho bữa ăn là 100 đô la, nhà hàng sẽ nhận 97 đô la, 3 đô la còn lại sẽ được chia sẻ cho ngân hàng phục vụ nhà hàng, ngân hàng phát hành thẻ, tổ chức VISA và các đối tác tham gia xử lý giao dịch khác.
Đề xuất giải pháp quản lý nhằm loại bỏ thanh toán chui qua POS ở Việt Nam
Để tăng cường giám sát, quản lý phát hiện hoạt động thanh toán chui qua POS, trước hết, về phía Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tập trung nhiều khách du lịch Trung Quốc phải thành lập những “Đội đặc nhiệm liên ngành” gồm công an, quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, công thương, … tiến hành kiểm tra thường xuyên về hoạt động, doanh số bán hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở bán hàng, điểm cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
NHNN chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giữa hai hệ thống ngân hàng của hai quốc gia, đồng thời chỉ thị cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh doanh, tăng cường kết nối thanh toán thẻ và chia sẻ thông tin giữa các NHTM Việt Nam và các NHTM Trung Quốc để nắm bắt được thông tin về khách hàng Việt Nam (cả pháp nhân và cá nhân) đang mở tài khoản thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các NHTM ở Trung Quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị cho các cơ quan truyền thông (các hãng truyền hình, thông tấn, các cơ quan báo chí, đài phát thanh…), tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tới người dân, coi hoạt động thanh toán chui trực tuyến bằng CNY từ Việt Nam sang Trung Quốc là hành vi vi phạm an ninh tiền tệ quốc gia, tác động tiêu cực tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nước.
Chính phủ cần nghiên cứu để có những sửa đổi Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi chuyển tiền chui trực tuyến bằng CNY từ Việt Nam sang Trung Quốc cho phù hợp hơn, trường hợp cần thiết có thể áp dụng mức phạt tiền cao gấp nhiều lần và rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
2. Thanh toán chui qua Alipay, Wechat Pay và đề xuất giải pháp
Thanh toán qua Alipay và Wechat Pay
Alipay và Wechat Pay là hai ứng dụng thanh toán di động đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán mọi thứ từ cước xe buýt, taxi cho đến mua sắm hàng hóa, chi trả cho các bữa ăn, mua vé xem phim... Theo Thời báo kinh tế Sài gòn online, hiện Alipay có khoảng 520 triệu người sử dụng và Wechat Pay có khoảng trên 1 tỷ người sử dụng. Theo công ty dữ liệu iResearch, trong năm 2017, khoảng 15.400 tỷ đô la Mỹ giá trị giao dịch thanh toán được thực hiện qua các nền tảng thanh toán di động của Trung Quốc, so với con số gần 2.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015. Trong khi đó, các hãng thẻ tín dụng hàng đầu thế giới như VISA và Mastercard chỉ xử lý tổng cộng 12.500 tỷ đô la Mỹ giá trị giao dịch toàn cầu trong năm 2017. Theo ước tính của công ty tư vấn Javelin Strategy & Research, giá trị giao dịch qua PayPal và Apple Pay chỉ đạt 377 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017.
Khách hàng thanh toán qua Alipay và Wechat Pay không hề mất phí, với thủ tục hết sức đơn giản và tiện lợi. Người trả tiền chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét QR Code của bên nhận tiền và xác nhận thanh toán là giao dịch đã hoàn tất.
QR Code là gì?
QR Code (viết tắt của Quick Response Code) là dạng mã hai chiều (2D), khác với mã vạch quen thuộc là mã một chiều (1D). Chúng đại diện cho một siêu liên kết hoặc một đoạn văn bản, có thể được quét và đọc bởi một điện thoại thông minh. Ở Trung Quốc, QR Code phổ biến đến mức từ người ăn xin, người bán rau cho đến các cửa hàng to nhỏ đều ưa thích sử dụng. Theo thống kê của Penguin Intelligence, có 92% người dân tại các thành phố lớn Trung Quốc sử dụng QR Code làm phương tiện thanh toán chính qua Alipay và Wechat Pay. Số tiền thanh toán qua các ứng dụng này luôn luôn tăng, lượng tiền mặt sử dụng đã giảm 10% trong hai năm qua.
Alipay là gì?
Alipay là một ví điện tử tại Trung Quốc do Tập đoàn Alibaba sở hữu và phát triển, thuộc sự quản lý trực tiếp của Ant Financial - một công ty dịch vụ tài chính đầy đủ được Chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động. Alipay ra đời vào năm 2004, trong bối cảnh Alibaba mới bắt đầu gia nhập thị trường thương mại điện tử, cần một công cụ để đảm bảo giao dịch trực tuyến sẽ diễn ra an toàn và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hình thức giao dịch hoàn toàn mới này. Alipay là trung gian giữa người bán và người mua trên Taobao - một nền tảng thương mại điện tử C2C của Alibaba. Nhiệm vụ chính của Alipay là một trung gian đảm bảo thanh toán trong các giao dịch trực tuyến. Khi một đơn hàng giao dịch trực tuyến được khởi tạo, Alipay sẽ sắm vai bên thứ ba làm trung gian đảm bảo cho đôi bên thực hiện nghiêm túc giao dịch. Trong giao dịch, sau khi hoàn tất quá trình đàm phán, bên mua sẽ tiến hành thanh toán, nhiệm vụ của Alipay là nhận tiền từ bên mua, phong tỏa tạm thời số tiền thanh toán và thông báo cho bên bán để bên bán tiến hành xuất hàng và chuyển đến địa chỉ bên mua theo thỏa thuận. Sau khi bên mua nhận được hàng hóa, hoàn tất kiểm hàng sẽ gửi xác nhận đến Alipay để giải tỏa số tiền thanh toán, bên bán sẽ nhận được tiền và giao dịch kết thúc.
Wechat Pay là gì?
Wechat Pay là một chức năng thanh toán được tích hợp vào cổng khách hàng Wechat, do Tập doàn Tencent xây dựng và phát triển. Wechat Pay cho phép kết nối nhanh tới các tài khoản ngân hàng và cung cấp cho người dùng các dịch vụ thanh toán an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Wechat Pay ra đời vào năm 2014 đúng vào dịp Tết cổ truyền giúp người dân có thể dễ dàng lì xì tiền mừng tuổi cho bạn bè hoặc người thân. Tencent cho phép người sử dụng Wechat có thể gửi phong bao lì xì cho một nhóm bạn. Theo The Wall Street Journal, chỉ trong 24 tiếng từ khi ra mắt, đã có 16 triệu phong bao lì xì số được gửi đi. Ngày nay, Wechat Pay xuất hiện khắp mọi nơi từ nhà hàng, cửa hàng cao cấp đến quán ăn đường phố, xe taxi, thậm chí người ăn xin cũng sử dụng.
Quy trình cơ bản của giao dịch sử dụng QR Code qua Alipay và Wechat Pay
Người dùng, kể cả người nước ngoài có hộ chiếu, chỉ mất vài phút để tạo một QR Code trên Alipay và Wechat Pay. Bạn chỉ cần có một điện thoại thông minh, đăng nhập vào trang Web tạo QR Code trực tuyến, từ đó có thể mã hóa bất kỳ thông tin nào. Việc tạo lập và sử dụng QR Code không mất nhiều thời gian, không mất chi phí.
Người trả tiền chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, quét QR Code của người nhận tiền, ứng dụng trên điện thoại sẽ truyền thông tin (qua Alipay hoặc Wechat Pay) về ngân hàng phục vụ người trả tiền. Sau khi kiểm tra số dư, ngân hàng sẽ chuyển tiền từ tài khoản của người trả tiền sang tài khoản của người nhận tiền qua Alipay hoặc Wechat Pay. Tiền sẽ thực sự chuyển đi khỏi tài khoản khi người trả tiền xác nhận việc thanh toán.
Thanh toán bằng QR Code không yêu cầu khách hàng phải nhập thông tin cá nhân vào các thiết bị khác. Nhờ đó có tính bảo mật cao. Hơn nữa, việc sử dụng QR Code để thanh toán, chuyển tiền vừa tiện lợi, vừa không mất khoản phí nào so với thanh toán thẻ qua POS.
Phát hiện việc sử dụng QR Code để thanh toán chui qua Alipay và Wechat Pay
Việc phát hiện các cơ sở bán hàng, cung cấp dịch vụ sử dụng máy POS để thanh toán, chuyển tiền chui từ Việt Nam sang Trung Quốc đã khó, nhưng phát hiện các cơ sở sử dụng QR Code để thanh toán, chuyển tiền còn khó khăn hơn rất nhiều, do QR Code có thể in ra trên một mảnh giấy nhỏ hoặc có thể lưu hình ảnh ngay trên điện thoại.
Các cơ sở bán hàng, cung cấp dịch vụ không cần phải trưng bày biểu tượng QR Code của mình tại các quầy hàng, mà họ chỉ cần thông báo cho khách hàng là có chấp nhận thanh toán qua Alipay và/hoặc Wechat Pay. Thậm chí, một số cơ sở đã móc nối với những tổ chức du lịch lữ hành cho các đoàn khách từ Trung Quốc tới Việt Nam thì chẳng cần phải thông báo.
Đề xuất giải pháp giám sát, theo dõi và quản lý để loại bỏ thanh toán chui qua Alipay, Wechat Pay
Ngoài những giải pháp đã được đề cập trên đây đối với hoạt động thanh toán chui qua POS, chúng tôi cho rằng các NHTM tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), các ví điện tử (như Vimo, Momo, Ngân lượng, Money Lover, Vinapay, Payoo, Mobivi, Zalopay…) phải tự nâng cao năng lực của mình, đồng thời tăng cường hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh, liên kết với Alipay và Wechat Pay trong chia sẻ thông tin và kết nối thanh toán với phương châm trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam.
Ngay tại Trung Quốc, nhiều ngân hàng cũng phải hợp tác với Alibaba và Tencent trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán và chia sẻ thông tin; Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, khi cổ phần hóa cũng chọn Alibaba và Tencent làm nhà đầu tư chiến lược. Tại Châu Á, đặc biệt là Khu vực Đông Nam Á, các quốc gia khác cũng đã và đang thực hiện chính sách hợp tác liên kết với Alibaba (thông qua Ant Financial) và Tencent. Ví dụ: PayTM - một doanh nghiệp khởi nghiệp thanh toán qua điện thoại di động ở Ấn Độ, năm 2015 đã bán 40% cổ phần trị giá 680 triệu đô la Mỹ cho Ant Financial và hiện đã có 177 triệu người dùng, chiếm gần 80% thị phần thanh toán di động tại Ấn Độ; Snapdeal - một doanh nghiệp thương mại điện tử tại Ấn Độ cũng đã thu hút được khoản đầu tư trị giá 500 triệu đô la Mỹ từ Alibaba. Tại Malaysia, Ant Financial cũng đã liên doanh với Touch ‘n Go, một công ty con chuyên phát hành thẻ giao thông của tập đoàn cho vay CIMB Group Holdings, hiện có khoảng 10 triệu khách du lịch Trung Quốc sử dụng các thẻ này để đi trên các phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt, tàu cao tốc và trả phí đỗ xe. Tại Thái Lan, Ant Financial cũng đã kết hợp với ngân hàng Kasikorn Bank, Siam Commercial Bank trong việc phát hành QR Code để cho phép các chuỗi cửa hàng tại Thái Lan chấp nhận cho khách du lịch Trung Quốc sử dụng QR Code để thanh toán tiền hàng. Ngoài ra, Ant Financial còn hợp tác, đầu tư với Ascend Money của Thái Lan, Mynt của Philippine, CC Financial Services của Singapore, Go-Jek của Indonesia, với PiPay một công ty con của Tập đoàn Anco của Campuchia, …
Thông qua hợp tác kinh doanh với Ant Financial (đơn vị quản lý của Alipay) và Wechat Pay, mới có cơ hội đồng bộ hóa hệ sinh thái công nghệ, tạo điều kiện kết nối thanh toán dễ dàng qua Alipay và Wechat Pay, với điều kiện các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam phải sử dụng QR Code do các NHTM, các ví điện tử tại Việt Nam phát hành hoặc do Alipay, Wechat Pay phát hành nhưng được kết nối với các tài khoản tại NHTM của Việt Nam. Có như vậy thì mới có thể quản lý được dòng tiền và đồng tiền thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng Việt Nam và được chuyển vào tài khoản của bên bán hàng, bên cung cấp dịch vụ tại các NHTM của Việt Nam và khi đó mới loại bỏ được hoạt động thanh toán chui qua Alipay, Wechat Pay.
Trường hợp bên bán hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cố tình vi phạm (sử dụng QR Code do Alipay, Wechat Pay phát hành và kết nối trực tiếp với tài khoản tại các NHTM của Trung Quốc), thì qua việc hợp tác, chia sẻ thông tin với Alipay và Wechat Pay, các đơn vị liên quan tại Việt Nam sẽ phát hiện hành vi vi phạm đó để có biện pháp xử lý, đồng thời qua đó cũng theo dõi được doanh số thanh toán, chuyển tiền chui để truy thu thuế và truy phạt theo quy định./.
Theo Tạp chí Ngân hàng