Rau má - tự khúc người xứ Thanh
Nhà thơ Trịnh Anh Đạt, người con đất Hà Trung của xứ Thanh lập nghiệp tại Đồ Sơn, Hải Phòng, rồi cư trú ở xứ người tận Hoa Kỳ, anh luôn nhớ về quê cha đất tổ. Quê hương hiện lên trong anh gắn liền với những ngày tháng gian khó dữ dội của tuổi thơ, những ngày ác liệt và oai hùng thời đạn lửa và những năm tháng vật lộn mưu sinh ở Đồ Sơn. Quê hương nặng sâu trong anh bằng hình ảnh cụ thể gắn với loài rau dân dã, bao năm thân thiết quấn quýt với con người: Rau má.
Tình yêu nỗi nhớ, ơn nghĩa và trách nhiệm đã giúp anh thành công, bài thơ “Rau má” luôn găm vào trí não mỗi người xa quê, người yêu quê, được nhiều người đón đọc, thuộc làu ngâm vịnh và truyền bá, được chuyển thể và thể hiện trên nhiều loại hình nghệ thuật, mang theo hồn cốt xứ Thanh.
Mới nghe em chớ vội cười
Cây rau má - “sâm” của người xứ Thanh.
Bài thơ mở đầu bằng câu thơ dung dị, hồn nhiên chảy tự lòng, không một từ hoa mỹ chỉ như là đang nói, đang tâm sự gần gũi thật tình làm duyên cho điều anh muốn nói, muốn tỏ bày về:
Cây rau má - “sâm” của người xứ Thanh.
Nhà thơ không xin cũng chẳng trách em: “vội cười” mà chỉ mượn cách làm duyên cách mở đầu bằng giọng tâm tình để kéo người đọc gần lại, để trình bày điều gan ruột, điều lớn lao đi suốt bài thơ: Thiên nhiên - Quê hương - Người mẹ vĩ đại dù là hiện hình bé nhỏ như cây rau má đã nuôi lớn tất thảy chúng ta từ vĩ nhân quân vương đến thường dân, chúng ta phải luôn ghi nhớ, phải luôn sống đẹp.
Theo mạch cảm xúc chân thành tự nhiên ấy nhà thơ tỏ bày về quê hương, về cuộc sống tháng năm gắn bó với cây rau má, lý giải vì sao nó trở thành “sâm”, thành vật quí, vật thiêng với người xứ Thanh. Không ai được phép quên quê - bởi “quê hương mỗi người chỉ một” dẫu đó là vùng đất lam lũ đói nghèo. Đồng đất Hà Trung, đồng đất xứ Thanh đó là quê anh. Nét gian khó của vùng quê được nhà thơ diễn đạt một cách khái quát mà rất gợi tả, gợi cảm xúc:
Miền quê bão lụt nắng hanh
Xứ Thanh nói chung, Hà Trung quê anh nói riêng đó là vùng đất khắc nghiệt đến mức khi nao lòng nhớ quê là nhớ về bão, về lụt, về nắng hanh. Vùng đất ấy rõ là “chưa mưa đã lụt” vùng đồng trũng “chiêm khê mùa thối”, ông cha anh “sống đất ngâm chân, chết ngâm da”. Vùng đất mà tự trong câu ca dân gian cũng còn nhắc nhau phương cách sống vượt đói nghèo, giữ khí tiết học ngẫm từ cây rau má:
- Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết
- Nhà giàu bổ cơm bổ cá
Nhà nghèo bổ rau má, khoai lang.
- Giàu như người ta ăn cơm với cá
Khó như em ăn rau má với cua đồng
Phải là người đi ra từ xứ ấy, yêu quê thấm đẫm mới viết được câu thơ khái quát nhức nhối đến vậy. Ở đất ấy chỉ có loài rau má có sức sống bất diệt: “vươn lên” dù chỉ là một “nhành má” nhỏ nhoi, để rồi cứ “rười rượi” xanh với đời. Tác giả diễn tả sức sống ấy bằng điệp từ “cứ” mở đầu ở câu lục và cả câu bát như một sự khẳng định điều không thể khác, điều không gì cản ngăn nổi:
Cứ xanh rười rượi với đời
Cứ chia sẻ tất cho người cháo rau!
Chỉ bằng câu lục, câu bát, bằng từ láy “rười rượi”, bằng cụm từ “chia sẻ tất”, “người cháo rau” mà nói đến không cùng, gợi đến vô biên về bản chất sống của rau má hay chính là đức vượt khó, quên mình, sự hy sinh không hề toan tính của người xứ Thanh. Thử làm phép ngược thay từ “rười rượi” bằng từ “biêng biếc”, “chia sẻ tất” bằng “chia sẻ hết”, “người cháo rau” bằng “người đói cơm” thì sẽ thấy vô lý và nông cạn. Thế mới hay rằng tác giả diễn tả thật tài tình, nhờ tìm được câu thần, từ đắt, vừa đồng điệu với toàn tứ thơ, mạch thơ vừa thuần Việt gần gũi như cách nói “chân quê”. “Rười rượi” vừa diễn tả được màu sắc xanh vừa gợi được sự mát lành. “Chia sẻ tất”, mạnh mẽ mà kiên quyết hết lòng. “Người cháo rau” gợi về hình ảnh của kiếp người đói khổ lần hồi rau cháo qua ngày của lớp người “lận đận” mọi phương trời, đối lập mạnh mẽ với lớp người sống xa hoa “nhà lầu xe hơi”. Nhà thơ khéo kéo gửi lời nhắn nhủ, lời tâm dạ khắc ghi với tất cả dù người đó là ai. Vẫn lối điệp từ “dù ai” tạo ra một nét khắc ấn tượng cho bức tranh.
Đọc câu thơ của nhà thơ làm tôi liên tưởng đến câu phương ngữ vùng quê tôi:
Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má
Chàng nguyện với thiếp một rá rau mưng.
Chàng ăn thiếp nhịn xin đừng bỏ nhau
Và bạn đọc nhận ra rằng anh đâu chỉ nói về rau má. Ẩn sau câu chữ ấy là con người là đức tính cần cù chịu khó là lòng thủy chung, nghĩa tình sâu nặng, nhân hậu thẳm sâu của người xứ Thanh. Cái ý tứ sâu xa, cái mạch ngầm nhân văn ấy cứ dần dà hé lộ.
Vẫn giọng tâm tình, vẫn nguồn tươi mát ấy anh viết tiếp:
Vị riêng rau má, em ơi
Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh
Chiều sâu tâm tư, tình cảm của bao người với loài rau má, gắn bó bao phận đời, bao kiếp người với những buồn vui thăng trầm, thịnh suy của xứ Thanh được diễn tả sâu sắc khó tìm cách diễn tả nào hay hơn thế: Dù muốn dù không, dù vô tình hay hữu ý quê hương vẫn “định vị” trong mỗi người, trong từng cá thể. Vị riêng “ngai ngái” của rau má, phong cách riêng của người xứ Thanh thật thà mà nhân hậu, bình thường mà phi thường cứ còn mãi, sống mãi. Cái lối xuất thần với cái từ thần diệu đặt đúng chỗ đã có công năng thật lớn.
Nhà thơ dẫn đắt bạn đọc, duyên dáng mời “em” - nhân vật trữ tình một lần “về quê anh” mà hay rằng cây rau má bé nhỏ mà vô cùng hữu ích có mặt trong đời sống con người, đi vào văn thơ, hiện diện nơi đền đài, cung vua phủ chúa và cả chốn kinh thành để rồi nói điều gan ruột:
Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má, ốc cua nên người!
Câu thơ được nâng tầm lên thành triết lý sống, thành kinh nghiệm, bài học luân lý ở đời: Ai cũng đứng trên mặt đất, ai cũng ăn lộc của đất của trời mới thành người, mới nên người, dù có thành vĩ nhân, có làm vua đều có chung hành trình đi lên từ gian khó, từ mồ hôi, cả nước mắt và máu xương.
Hai câu thơ của bài thơ cắt ra từ hồn câu vía chữ mà dâng lên và ngân nga mãi, làm điểm tựa, làm cái kết chắc cho toàn bài. Trịnh Anh Đạt tỏ ra thơ hơn, khôn ngoan hơn khi tách ra với câu cuối bằng lối thủ vĩ ngâm lặp lại nguyên văn câu mở đầu để triết lý ấy âm vang mãi, để bài thơ cứ được đọc đi đọc lại như không có điểm dừng, không có kết thúc. Khôn khéo của nhà thơ là nhập vào cái hồn hậu bình dị của ca dao, dân ca, cách kết cấu của ca dao, vượt qua cấu trúc của thi ca, với giọng điệu riêng thủ thỉ tâm tình, câu chữ tinh tế, diệu nghệ để bài thơ có sức sống, trường tồn cùng cuộc sống cùng nhân gian, được yêu tin mang tầm tráng ca về xứ Thanh.
Tôi muốn kết thúc bài viết nhỏ bằng mấy câu nôm na tặng anh thay cho lời cảm ơn của độc giả khi anh đã thay tất cả người xứ Thanh nói được cái điều nhân nghĩa sâu sa nồng hậu:
Người đời có thể quên anh
Bài thơ rau má xứ Thanh thì còn
Mai sau núi lở, non mòn
Sông với bể cạn vẫn còn thơ anh.
Theo Báo Văn hóa & đời sông