Agribank Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại nông thôn
Nhằm hiện thực hóa Đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Tổng Giám đốc Agribank tại Văn bản số 7666/NHNo-TTT, ngày 11/9/2019, Agribank Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả. Qua 9 tháng triển khai thực hiện đề án, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực.
Theo đó, ngay sau khi có chủ trương, Agribank Thanh Hóa đã Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm đề án, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Đồng thời, giao kế hoạch cụ thể đến các chi nhánh loại II; xây dựng phần mềm hỗ trợ thiết lập hồ sơ, thường xuyên theo dõi, khảo sát, chỉ đạo, hướng dẫn quá trình thực hiện ở cơ sở; nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cán bộ Agribank Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền phát triển dịch vụ thẻ tại khu vực nông thôn.
Mặc dù đề án mới được triển khai trong thời gian chưa lâu, nhưng bước đầu đã phát huy được vai trò và ý nghĩa KT-XH hết sức quan trọng tại khu vực nông thôn. Cụ thể, đối với hoạt động của Agribank đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ở khu vực; gia tăng số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các sản phẩm dịch vụ; tạo cơ hội mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại khu vực nông nghiệp nông thôn; gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, đồng thời góp phần tăng nguồn thu dịch vụ cho Agribank.
Qua đề án, góp phần đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ.
Với Agribank Thanh Hóa nói riêng, việc cấp cho người dân một khoản vốn lên đến 30 triệu giúp người dân đáp ứng vốn cần thiết cho các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, thanh toán các dịch vụ công, thanh toán chi phí sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,... Thông qua đó xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Theo Agribank Thanh Hóa, đến cuối tháng 6/2020, đơn vị đã phát hành 4.590 thẻ. Trong đó, đã cấp hạn mức thấu chi cho 3.636 thẻ, với tổng hạn mức thấu chi là 43 tỷ đồng; dư nợ thấu chi là 16 tỷ đồng. Phục vụ triển khai thí điểm đề án trên địa bàn 12 huyện có 29 máy ATM và 89 máy POS; bình quân mỗi huyện có 2 máy ATM và 7 máy POS...
Có thể nói, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn tiếp tục khẳng định vai trò của Agribank đối với "tam nông"; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu Agribank cung cấp, đến nay, sau 9 tháng triển khai trên phạm vi rộng khắp 63 tỉnh, thành phố toàn quốc, số lượng thẻ đã phát hành được hơn 112.000 thẻ và gần 1.800 POS được lắp đặt mới, hạn mức thấu chi đã cấp gần 400 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đạt gần 300 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Văn hóa và Đời sống