Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng – Thực trạng trên địa bàn và một vài giải pháp

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng trong nước.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN Chi nhánh tỉnh chịu trách nhiệm: cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái sản xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức mỹ nghệ với nước ngoài, cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài; tham mưu cho Thống đốc NHNN cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, Giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Đồng thời, thực hiện việc, theo dõi, tống hợp, thanh – kiểm tra, báo cáo Thống đốc NHNN và thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quyền hạn được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

* Quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng

- Đối với thị trường vàng miếng

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN Việt Nam cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

- Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ

Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

- Đối với việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

+ Doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được NHNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

+ Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng được NHNN xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

+ Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN xem xét cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

- Đối với việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân

+ Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu (trừ trường hợp định cư).

+ Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy tờ khác không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ (trừ các loại trang sức, mỹ nghệ đeo trên người).

+ Trong trường hợp định cư: Cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam khi nhập cảnh và cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh vàng gồm có: sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, chưa phát sinh các hoạt động: xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; tạm nhập vàng để gia công xuất khẩu hay mang vàng khi xuất nhập cảnh của cá nhân.

* Thực trang hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ

Tính đến 30/11/2020, NHNN Chi nhánh Thanh Hóa đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho 76 Doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trong những năm gần đây kém sôi động hơn, khối lượng sản xuất giảm đi đáng kể so với những năm 2011-2012. Tại phần lớn các doanh nghiệp hầu như chỉ sản xuất, gia công một số lượng ít các sản phẩm, hàng hóa đơn giản như nhẫn tròn, lắc tay, khuyên tai. Khối lượng sản xuất chủ yếu ở một số ít doanh nghiệp tại trung tâm thành phố. Qua 02 đợt kiểm tra năm 2016 và năm 2018, NHNN Chi nhánh Thanh Hóa đã thu hồi 06 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các Doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng và đối với doanh nghiệp không phát sinh hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trong thời gian dài. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 70 Doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Khối lượng và giá trị sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ từ loại vàng 10k đến vàng 24k trong những năm qua thống kê như sau:

Năm

Khối lượng sản xuất (Kg)

Giá trị sản xuất (Triệu đồng)

2016

289,46

246.476

2017

277,53

262.202

2018

292,61

261.992

2019

325

320.190

2020

325,2

378.101

                           Kết quả hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ

* Hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng

Hiện nay, trên toàn địa bàn tỉnh có 09 đơn vị được Thống đốc NHNN Việt Nam cấp phép hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng đó là chi nhánh tại Thanh Hóa của các Ngân hàng: NHTMCP Á Châu, NHTMCP Kỹ Thương, NHTMCP Phương Đông, NHTMCP Sài Gòn Thương tín, NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP Sài Gòn và 03 tổ chức kinh tế là Công ty Cổ phần Phú Đô, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji tại Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận chi nhánh Thanh Hóa. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, NHNN Chi nhánh được giao nhiệm vụ tiến hành kiểm tra địa điểm mua bán kinh doanh vàng miếng của các tổ chức, đơn vị khi có yêu cầu của NHTW, đồng thời, phối hợp theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh vàng miếng. Doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn trung bình đạt khoảng 5.000 lượng vàng /năm, chủ yếu là của NHTMCP Sài Gòn Thương tín, Công ty cổ phần Phú Đô và Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji tại Thanh Hóa.

Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và những bất ổn chính trị trên thế giới, năm 2020 là một năm ghi nhận sự biến động mạnh mẽ và hỗn loạn của giá vàng. Giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay, dao động từ mức hơn 1.400USD/ounce tăng lên đạt đỉnh 2.082USD/ounce vào đầu tháng 8/2020 và hiện nay đang giao dịch ở mức 1.880USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh và giá vàng thế giới, với mức tăng từ hơn 40 triệu đồng/lượng lên đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng và hiện tại được niêm yết 56,5 triệu đồng/lượng (đối với vàng miếng SJC). Do đó, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khối lượng sản xuất vàng không tăng so với năm 2019 nhưng giá trị sản xuất tăng mạnh (18,1%). Mặc dù giá vàng thế giới biến động mạnh với biên độ lớn, song trên thị trường Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, giá vàng tăng trong năm 2020 vẫn nằm trong tầm kiểm soát do có sự điều tiết, quản lý rất tốt của NHNN Việt Nam.

* Một số giải pháp quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trong thời gian tới.

Từ thực trạng nói trên, nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua không xảy ra sai phạm đáng kể nào. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về chế độ thông tin báo cáo còn nhiều hạn chế, nhiều đơn vị chậm nộp hoặc không gửi báo cáo về NHNN Chi nhánh mặc dù đã có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở nhiều lần. Phần lớn các đơn vị này có rất ít hoặc không phát sinh hoạt động sản xuất (đối với các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) hoặc kinh doanh (đối với một số đơn vị được cấp Giấy phép mua bán kinh doanh vàng miếng), thậm chí có những doanh nghiệp cả năm không phát sinh. Do đó, NHNN Chi nhánh gặp khó khăn trong việc theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình và kết quả sản xuất kinh doanh vàng để có biện pháp quản lý và báo cáo Thống đốc.

Mặt khác, ảnh hưởng từ đại dịch covid-19 xảy ra trong năm 2020 làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn kéo theo tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đe dọa tới an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chính sách ưu đãi tín dụng và chi phí vốn rẻ làm hoạt động đầu cơ tăng lên rất mạnh mẽ, đáng kể nhất là vàng và bất động sản. Tiếp tục với mục tiêu quản lý của Nhà nước ta về giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, chống tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tác giả xin mạnh dạn đề xuất một vài giải pháp quản lý sau:

- Tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trên địa bàn, phối hợp quản lý ngoại hối và vàng giữa 02 phòng chức năng là Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ, và Thanh tra giám sát Chi nhánh nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNH ở NHNN Chi nhánh. Cử cán bộ là Thanh tra viên tham gia các Đoàn kiểm tra trong các cuộc kiểm tra vàng bạc, ngoại hối trên địa bàn.

- Tập trung rà soát, theo dõi tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị được cấp phép để đề xuất chương trình, kế hoạch kiểm tra các đơn vị. Có biện pháp xử lý vi phạm hành chính để răn đe, chấn chỉnh đối với những đơn vị có tình trạng không thực hiện đúng quy định về chế độ thông tin báo cáo. Tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp không phát sinh khối lượng sản xuất và có ý kiến đề xuất Thống đốc thu hồi Giấy phép đối với một số tổ chức kinh tế kinh doanh mua bán vàng miếng không hiệu quả, không phát sinh doanh số mua bán trong thời gian một năm trở lên.  

- Tích cực phối hợp với Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa, trong công tác phòng chống buôn lậu và phát hiện xử lý kinh doanh mua bán vàng trái phép; Phát hiện và xử lý các vi phạm về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng như: không công bố tiêu chuẩn, không ghi nhãn hàng hóa đúng quy định, không niêm yết công khai giá vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng mà chưa được NHNN cấp phép, mang theo vàng khi xuất nhập cảnh không đúng quy định, xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, vàng nguyên liệu không đúng theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Thường xuyên duy trì kênh thông tin, phối hợp với các sở, ban, ngành và các  nhằm nắm bắt tình hình, hoạt động của một số tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ vàng làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của của các cơ quan hữu quan và của nhân dân trên địa bàn về hoạt động quản lý vàng nói riêng và quản lý tiền tệ, ngoại hối nói chung./.

                              Nguyễn Hạnh – NHNN Chi nhánh Thanh Hóa