Truyền thống vẻ vang và những kết quả đổi mới, phát triển của ngành Ngân hàng trong 70 năm qua
“ 70 Năm một chặng đường vẻ vang”. Đó là một hành trình với biết bao vất vả và gian lao nhưng cũng rất đỗi tự hào của ngành Ngân hàng Việt Nam. Với lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với những năm tháng kháng chiến gian khổ của đất nước, ngành Ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong thành công của công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển kinh tế xã hội như ngày hôm nay.
Kể từ ngày được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập số 15/SL ngày 06/05/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức được thành lập và trở thành “Mốc Son” lịch sử của ngành Ngân hàng Việt Nam. Thời kỳ đầu những ngày mới được thành lập, đối mặt với biết bao khó khăn và thử thách, nhưng với sự hăng hái và nổ lực của các cán bộ ngành, đã từng bước khắc phục những khó khăn tạo nên sự chuyển biết tích cực trên mặt trận kinh tế, tài chính của đất nước. Một trong những dấu mốc đặc biệt ở thời kỳ này là việc tổ chức in và phát hành tiền, quản lý và điều hoà lưu thông tiền tệ, chấm dứt thời kỳ phải gắn liền tài chính với ngân hàng, phải in tiền để chi tiêu, từng bước chuyển sang những nguyên tắc cơ bản của công tác ngân hàng và hoạt động tiền tệ, phục vụ sản xuất và lưu thông. Từ đây, bắt đầu xây dựng nền móng cho hệ thống Ngân hàng Việt Nam, hình thành thể chế quản lý tiền tệ theo quy luật của khoa học tiền tệ, đây là một bước tiến vô cùng lớn cho sự phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt nam sau này.
Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, trong công cuộc xây dựng và chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành Ngân hàng giữ vai trò hết sức quan trọng và đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và đáng khích lệ. Bên cạnh những cố gắng hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ được giao để có đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã từng bước trưởng thành, thiết lập được một mạng lưới cung cấp dịch vụ Ngân hàng phong phú, phục vụ cho mọi thành phần kinh tế, mang lại cho nền kinh tế nhiều thành công, các chỉ số kinh tế cơ bản như GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư, thu chi ngân sách nhà nước đều đạt cao và bền vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Hệ thống các Ngân hàng đã từng bước xây dựng và thực thi những chính sách riêng sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hoạt động tín dụng Ngân hàng đã góp phần vào việc thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án lớn của Quốc gia và của các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực nông nghiệp. Đây là hai nhóm ngành có đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sau 20 năm thực hiện đổi mới, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành tựu đáng kể, xây dựng được hệ thống Ngân hàng phân cấp; Các thể chế pháp lý dần được xây dựng, củng cố và hoàn thiện; Năng lực xây dựng và điều hành, quản lý tiền tệ – tín dụng – ngân hàng của NHNN đã được nâng lên một tầm cao mới, thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia và hoạt động có hiệu quả; Đội ngũ cán bộ trong ngành Ngân hàng trưởng thành nhanh chóng, có khả năng tiếp cận kiến thức mới và công nghệ Ngân hàng hiện đại, có năng lực điều hành và thực hiện các hoạt động Ngân hàng ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn theo yêu cầu của nền kinh tế và chủ động hội nhập với nền kinh tế Quốc tế.
Ứng phó khủng hoảng, hoàn thiện thể chế, khẳng định bản lĩnh của ngành Ngân hàng trên con đường hội nhập của nền kinh tế Việt nam với các nước trên thế giới. Giai đoạn 2006 - 2010, một sự kiện lớn ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 và sự suy thoái kinh tế thế giới kéo dài. Nhưng với những đối sách ứng phó kịp thời của Chính phủ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010 đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong các năm 2008 - 2010 vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để hoàn thiện thể chế hoạt động cho ngành Ngân hàng, trong đó có Đề án 30 của Chính phủ nhằm thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Tới năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc thống kê và công bố đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Lần đầu tiên, hệ thống ngân hàng tập hợp được một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, hoàn chỉnh về thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực hoạt động tiền tệ, Ngân hàng. Đề án 30 của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng được đánh giá là sự kiện quan trọng, khẳng định quyết tâm trong chiến lược đổi mới và chương trình cải cách tổng thể nền hành chính Quốc gia, tạo nền tảng cho đổi mới về thể chế và hiện đại hoá hành chính nội vụ, đặc biệt trong hoạt động tiền tệ, Ngân hàng. Năm 2010, cùng với hai bộ luật Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào ngày 16/6/2010, đã tạo nền tảng pháp lý mới, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm, quyền hạn của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, phù hợp với các điều ước quốc tế. Cùng với hai Luật Ngân hàng, các quy định dưới Luật về tiền tệ và hoạt động Ngân hàng cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo hướng đơn giản hoá, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và các quan hệ giao dịch giữa tổ chức cá nhân với Ngân hàng Nhà nước.
Trên con đường phát triển những năm tiếp theo, giai đoạn năm 2016 – 2021 cùng với những chính sách tiền tệ được NHNN áp dụng một cách linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, các giải pháp điều hành tích cực được thực thi đã góp phần giúp tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định hơn, hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giai đoạn này, mặt bằng lãi suất cũng đã được NHNN điều chỉnh giảm, tạo sự ổn định cho hoạt động tín dụng phát triển. Các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN được đảm bảo, mở rộng hoạt động hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát; Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm gần 25%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế...), góp phần hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng đã tăng cường triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dưới hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp và người dân vay vốn Ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn luôn thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát kinh tế của đất nước, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra. Cụ thể, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng trưởng tín dụng phù hợp, gắn với chất lượng và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các tổ chức tín dụng tiếp tục được cơ cấu lại nhằm củng cố năng lực, bảo đảm giữ vững sự ổn định, an toàn; Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, ấn tượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại. Năm 2021 cũng là một năm với rất nhiều những khó khăn và thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Ngân hàng Việt Nam khẳng định vai trò của mình, dù bối cảnh nền kinh tế thế giới còn rất nhiều diễn biến khó lường và bất lợi do tác động của dịch Covid-19, nhưng với nền tảng vững chắc đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ có những bước phát triển mới ấn tượng trong thời gian tới, khẳng định vai trò là huyết mạch của nền kinh tế của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Nguyễn Văn Dũng - Ngân hàng Hợp tác xã CN Thanh Hóa