Thực trạng và giải pháp về tiếp cận vốn tín dụng của các Hợp tác xã ở Thanh Hóa

Ngày 09/3/2020, BCHTW Đảng đã ban hành Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Điều này, một lần nữa Đảng ta đã khẳng định vị trí vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đây là điều có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Cán bộ Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Thanh Hóa hướng dẫn khách hàng thủ tục vay vốn

I- Thực trạng hoạt động tín dụng HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

* Giai đoạn từ năm 2000 trở về trước

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã (HTX) trong thời kỳ nào cũng là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1985 về trước, kinh tế HTX là một trong hai thành phần kinh tế chủ yếu của nền kinh tế, luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm hỗ trợ trong hoạt động. Tuy nhiên, khi bước sang thời kỳ đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường (từ năm 1986), những mâu thuẫn nội tại của HTX đã phát sinh và ngày càng trở nên bức xúc, hầu hết các HTX không theo kịp yêu cầu của cơ chế mới. Hàng loạt HTX hoạt động yếu kém, thua lỗ, nợ nần chồng chất, không còn khả năng thanh toán, trong đó chủ yếu là nợ vay ngân hàng. Giai đoạn 1996 - 2000 do yếu kém trong hoạt động, cộng với khoản nợ nần mất khả năng thanh toán của các HTX (năm 1996 nợ xấu xấp xỉ 60%). Chính phủ đã chỉ đạo thông qua ngành ngân hàng, ngành tài chính cho khoanh nợ, xoá nợ đối với các HTX làm ăn thua lỗ kéo dài, hoặc đã tự giải thể do trước đây bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, mùa màng thất bát, dịch bệnh... nên không còn khả năng trả nợ ngân hàng, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ở Thanh Hoá, số tiền vay ngân hàng của các HTX (phần lớn là nợ vay của HTX nông nghiệp và HTX mua bán) được xử lý xoá nợ cũng vào khoảng 10 tỷ đồng. 542 HTX tín dụng ở Thanh Hóa - một trong 3 ngọn cờ hồng (3 ngọn cờ hồng, gồm: HTX nông nghiệp; HTX mua bán và HTX tín dụng) được thành lập trong gia đoạn 1956 – 1987 cùng lần lượt giải thể. Sau này chỉ duy nhất HTX tín dụng Quảng Ngọc (Quảng Xương) chuyển đổi thành công trở thành Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Thực trạng trên đã đẩy ngành ngân hàng đến tình trạng không dám tiếp tục mở rộng cho vay, mà chủ yếu là tập trung thu hồi nợ và xử lý cho khoanh nợ, xoá nợ cho các HTX theo chỉ đạo của Nhà nước và Ngân hàng Trung ương. Nguồn tài chính để xoá nợ không phải do Ngân sách cấp, mà là nguồn quỹ dự phòng rủi ro được các ngân hàng thương mại trích lập theo tỷ lệ cho phép từ nguồn thu nhập hàng năm của từng ngân hàng.

* Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Nhận biết được tầm quan trọng của kinh tế tập thể, đặc biệt là kinh tế HTX, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Các cơ chế, chính sách này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ đóng góp to lớn vào nền kinh tế quốc dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội.

Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế kinh tế tập thể, kinh tế HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, các cấp, các ngành đã vào cuộc với hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho kinh tế HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điển hình như Luật HTX năm 2003 và mới đây nhất là Luật HTX năm 2012 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế HTX.

Luật HTX năm 2012 ra đời thay thế Luật HTX năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình HTX, liên hiệp HTX, đòi hỏi cần thiết có chính sách ưu đãi hơn để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác và HTX dần được củng cố và hoàn thiện. Nhìn chung, sau khi chuyển đổi, thành lập mới, nhiều HTX đã từng bước vươn lên, đáp ứng các yêu cầu dịch vụ kinh tế hộ như cung ứng giống, phân bón, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất... Nhờ đó, đã góp phần tăng năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, góp phần không nhỏ đến phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ngày 09/3/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Điều này, một lần nữa Đảng ta đã khẳng định vị trí vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đây là điều có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực hiện chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cho vay đối với khu vực kinh tế hợp tác xã phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:

- Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó áp dụng đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ tại quyết định số 1730/QĐ-NHNN ban hành ngày  30 tháng 9 năm 2020.

- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định: (i) HTX và Liên hiệp HTX được các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 01 đến 03 tỷ đồng; (ii) các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70%-80% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.

Tại Thanh Hóa, NHNN Chi nhánh Thanh Hoá đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các hợp tác xã. Cụ thể: (i) Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó có hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn; (ii) Xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trong quá trình thẩm định cho vay qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; (iii) Nghiên cứu các sản phẩm, chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; (iv) Đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn...

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước nói chung và ngành ngân hàng Thanh Hoá nói riêng đã đem lại nhiều kết quả khả quan, cụ thể:

Nếu như năm 2001, dư nợ cho vay HTX trên địa bàn chỉ ở mức khiêm tốn 3,7 tỷ đồng với 13 HTX thì đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 48 HTX vay vốn tín dụng với dư nợ 57 tỷ đồng. Dư nợ cho vay HTX tăng dần qua các năm. Đến năm 2015, khi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành và đi vào đời sống, tín dụng HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Dư nợ tín dụng HTX đạt 66 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2014. Đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 18 HTX có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ là 91,4 tỷ đồng (chiếm 0,067% dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng). Trong đó: Dư nợ cho vay HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đạt 24,8 tỷ đồng (chiếm 27,1% dư nợ cho vay), Dư nợ cho vay HTX xây dựng đạt 1,8 tỷ đồng (chiếm 2% dư nợ cho vay), Dư nợ cho vay HTX giao thông vận tải đạt 37,3 tỷ đồng (chiếm 40,8% dư nợ cho vay), Dư nợ cho vay HTX thương mại, dịch vụ đạt 25,3 tỷ đồng (chiếm 27,7% dư nợ cho vay), Dư nợ cho vay HTX khác đạt 2,2 tỷ đồng (chiếm 2,4% dư nợ cho vay).

Chỉ riêng dư nợ của HTX Minh Thành (TP Thanh Hoá) đang vay tại Vietinbank Thanh Hóa là 14,5 tỷ đồng; HTX sản xuất, dịch vụ thương mại tổng hợp Chung Nghĩa (huyện Hà Trung) vay vốn tại Vietinbank Bắc Thanh Hóa 10,2 tỷ đồng; HTX Xuân Dương (huyện Quan Hoá) vay vốn tại Agribank tỉnh Thanh Hoá 3,2 tỷ đồng, 3 HTX này chiếm tới 30% dư nợ. 15 HTX còn lại có dư nợ dưới 2 tỷ đồng.

II- Đánh giá hoạt động tín dụng HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

* Những kết quả đạt được

Thực tiễn cho thấy, chính sách tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên của HTX. Dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế HTX trong thời gian qua có xu hướng tăng đặc biệt là sau quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng mà nhu cầu về vốn của các HTX từng bước được tháo gỡ, một số tổ hợp tác, HTX đã liên kết, mở rộng, đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp ra đời đã góp phần đảm bảo ổn định lâu dài về đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm và cải thiện mức thu nhập cho nhiều lao động tại các vùng nông thôn. Quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh đều tăng, các loại dịch vụ và sản phẩm hàng hoá ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, tình trạng yếu kém của khu vực kinh tế tập thể dần được khắc phục. HTX từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Từ hiệu quả hoạt động mô hình HTX kiểu mới, các HTX đã vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế.

* Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng HTX trên địa bàn thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là các HTX chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn tín dụng, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các HTX. Hiện nay, cấp tín dụng cho các HTX còn hạn chế về số lượng, tính đến tháng 9/2021 chỉ đạt 91,4 tỷ đồng, chiếm một phần rất nhỏ (0,067%) trong tổng dư nợ vay toàn ngành kinh tế, trong khi nhu cầu vay vốn thực tế hàng năm của các HTX lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu đến từ các nguyên nhân sau:

Nguyên nhân khách quan

- Năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của HTX còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh hiện nay. Nguồn vốn đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất chủ yếu để đáp ứng nguồn vốn lưu động của HTX là chính, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi bản thân HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20-30% vốn đầu tư của dự án, đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.

- Hiện nay một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ minh bạch mọi hoạt động của HTX. Ngoài ra, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của TCTD nên các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trong những năm liền kề để thẩm định và quyết định việc cho vay, trong trường hợp đã cho vay rồi thì khó kiểm tra được tình hình sử dụng vốn vay, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay của HTX.

- Các HTX thường không có tài sản đảm bảo khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, giá trị không nhiều. Ngoài ra, các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn cho HTX trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn.

- Hiện nay các chính sách tín dụng hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhưng các TCTD cho vay tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản nên một số các ngân hàng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối với HTX, chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX. Thêm vào đó đối tượng vay là HTX chứa đựng rất nhiều rủi ro làm cho các TCTD e ngại trong việc cấp tín dụng.

- Liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả dẫn đến phương án sản xuất kinh doanh khi vay vốn còn kém khả thi, hiệu quả.

Nguyên nhân chủ quan

- Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, thiếu quan tâm đến việc tuyên truyền phổ biến chính sách, chưa tích hợp và hướng dẫn đầy đủ tất cả các chính sách của tỉnh liên quan đến vấn đề hỗ trợ HTX, tổ HTX, chưa sâu sát trong công tác quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng cho các HTX.

- Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với cơ chế quản lý mới, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, mới được tập huấn ngắn hạn, không được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật những kiến thức mới. Đội ngũ cán bộ quản lý trong HTX chưa có chuyên môn, chủ yếu làm theo hình thức gia đình… khi xây dựng phương án vay vốn chưa khả thi, chưa khai thác hết thông tin thị trường để đánh giá hiệu quả dự án, nên khi các ngân hàng tiến hành thẩm định chi tiết khó thuyết phục để các ngân hàng chấp nhận phương án vay vốn để đầu tư.

III- Giải pháp mở rộng tín dụng HTX

Để mở rộng hơn nữa hoạt động tín dụng HTX, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ và NHNN Việt Nam nhằm hỗ trợ tín dụng cho hoạt động HTX như chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn với 05 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016…

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các TCTD vận dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng đối với HTX, tạo điều kiện để các HTX được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp của HTX; Tăng cường chủ động tiếp cận các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của HTX, nếu có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ thì tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho vay. Tăng cường đầu tư tín dụng cho số HTX thuộc diện khá. Xem xét và từng bước mở rộng cho vay đối với các HTX thuộc diện trung bình hoạt động trên 5 lĩnh vực ưu tiên theo cơ chế hiện hành của Nhà nước.

Thứ ba, chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay đối với HTX. Nghiên cứu và áp dụng giải pháp cho HTX vay vốn theo phương thức tín chấp danh nghĩa. Tức là HTX được chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương xác nhận hoạt động tuân thủ pháp luật, hoạt động đúng bản chất HTX, làm ăn có lãi, và góp phần phát triển cộng đồng …

Lời kết

Kinh tế tập thể mà đặc biệt là kinh tế HTX trong mọi thời kỳ đều có có những đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có thể khẳng định rằng, kinh tế HTX ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị ở nông thôn. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập: Sự phát triển của khu vực kinh tế HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Các cơ chế, chính sách được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể và HTX vẫn còn hạn chế và hơn hết là bản thân các HTX vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất, nhất là về năng lực, trình độ quản lý. Hoạt động của các HTX thiếu gắn kết với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết chặt chẽ, bền vững trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, để kinh tế hợp tác phát triển và ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu của mình thì cần sự quan tâm và chung tay góp sức hơn nữa của các cấp, chính quyền địa phương./.

Đỗ Minh Quang