Khơi thông nguồn vốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với vốn vay để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần cải môi trường đầu tư kinh doanh.

Thời gian qua, NHNN Thanh Hóa cùng với các TCTD trên địa bàn đã vào cuộc mạnh mẽ, chủ động làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng của dịch bệnh; phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp (DN), người dân, khách hàng vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh gây ra để chủ động áp dụng những biện pháp hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại giúp DNvà người dân phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh. Ngành Ngân hàng Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN, với phương châm: chia sẻ và đồng hành vượt khó, các hoạt động về giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ cho DN; cho vay lãi suất thấp với tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ… đã tạo điều kiện thuận lợi và trực tiếp giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, duy trì, ổn định và tăng trưởng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, NHNN Thanh Hóa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức buổi tọa đàm với các Hiệp hội DN , các DN cùng các ngân hàng trên địa bàn để triển khai, lắng nghe ý kiến phán ánh và trả lời những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, thiết lập và công khai đường dây nóng, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo cho các Hiệp hội DN trên địa bàn để tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng về những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Năm 2021, NHNN Thanh Hóa cũng đã chủ động phối hợp với UBND huyện Nga Sơn tổ chức Hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với DN và người dân nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn của DN và người dân để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất ... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dưới sự chỉ đạo của NHNN Thanh hóa, các TCTD chủ động tiếp cận DN có uy tín, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy DN phát triển. Tính đến 31-3, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn ước đạt 157.750 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.Để nâng cao hiệu quả khơi thông nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, các TCTD tiếp tục thực hiện hiệu quả các thông tư của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Qua đó, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 291.447 khách hàng với tổng giá trị nợ là 91.856 tỷ đồng; cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến ngày 28-2-2022 là 68.082 tỷ đồng.

Các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng. Cán bộ tín dụng tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các DN có quan hệ tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nhu cầu vay vốn mới. Nhiều ngân hàng đã chủ động tiết giảm chi chí hoạt động, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí vốn để tạo điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm từ 0,5-2,5%/năm đối với các ngành nghề ưu tiên, các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Điển hình như các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng, như: Gói tín dụng với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lãi suất giảm đến 2,5%/năm so với cho vay thông thường; Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa với quy mô tài trợ 30.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thuần Phong, Giám đốc  AgribankThanh Hóa, cho biết: Ngân hàng cam kết chia sẻ, đồng hành cùng DN trong mọi thời điểm và kỳ vọng việc tiếp thêm nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ các chương trình cùng các dịch vụ tiện ích của Agribank sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn để giải quyết khó khăn về tài chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Ngoài những “ông lớn”, hàng loạt ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh trên địa bàn như: Techcombank, HDBank, VPBank, Bắc Á Bank… cũng cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch. Những quyết sách của ngành ngân hàng sẽ là “liều thuốc trợ lực” giúp cộng đồng DN và người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Bên cạnh đó, Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính Phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Kết quả đến 28-2-2022, NHCSXH Thanh Hóa đã giải ngân được 10 doanh nghiệp sử dụng lao động với số tiền là hơn  6,2 tỷ đồng, trả lương cho 725 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện Phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. NHCSXH Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch để trình Trung ương bổ sung nguồn vốn. Đồng thời, cân đối chung thu nợ trong toàn tỉnh để ưu tiên giải ngân vốn theo Phương án số 198/PA-UBND.

Xác định nguồn vốn tín dụng “trợ lực” để khôi phục và phát triển nền kinh tế sau dịch bệnh, với mục đích kết nối tốt nhất giữa người dân, DN với ngân hàng, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với NHNN Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Theo đó, Thanh Hóa sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị này trong năm 2022. Thông qua hội nghị sẽkết nối gắn với các giải pháp hỗ trợ DN của ngành Ngân hàng trên tất cả các mặt hoạt động,tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tốt nhất giữa các đối tác trong quan hệ tài chính tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh  Đồng thời thu hút nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh thời gian tới để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãnh đạo tỉnh lắng nghe việc phản ánh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để cùng phối hợp giải quyết, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển hoạt động tín dụng phù hợp, đáp ứng nguồn lực kịp thời để nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng sẽ không còn những “điểm nghẽn”, bảo đảm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho DN và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, tiếp tục khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Khánh Phương - Báo Thanh Hóa