Nhận thức rõ trách nhiệm của ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank Nam Thanh Hóa đã và đang không ngừng nỗ lực giúp bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn tín dụng Ngân hàng, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Qua đó, Agribank Nam Thanh Hóa góp phần tích cực hạn chế “tín dụng đen” tại các vùng quê, trả lại môi trường tín dụng lành mạnh trên địa bàn.
Hiện nay, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, do đó nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, chính vì thế tín dụng đen có nhiều “đất” để phát triển ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng. Thay vì tìm đến ngân hàng, một số người dân vẫn tìm đến những công ty dịch vụ tài chính trá hình để vay vốn. Với chiêu thức chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản photo), không cần tài sản thế chấp, các tổ chức “Tín dụng đen” đã khiến nhiều người gật đầu chấp thuận vay với lãi suất cao gấp nhiều lần so với Ngân hàng. “Tín dụng đen” diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.
Để chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến với khách hàng, Agribank Nam Thanh Hóa thực hiện tốt công tác điều tra kinh tế địa phương, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay thuận lợi. Bám sát các chương trình, dự án kinh tế, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, chi nhánh đã thực hiện hiệu quả các giải pháp đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vốn cho các lĩnh vực được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo như: cho vay theo Quyết định 68 của Chính phủ, cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, cho vay theo Nghị quyết 30A, cho vay mở rộng sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cho vay ưu đãi lãi suất theo các chương trình của Agribank...; đẩy mạnh cho vay hạn mức quy mô nhỏ; tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng ... từ đó giúp người dân tìm đến các tổ chức tài chính ngân hàng thay vì tìm đến các tổ chức tín dụng đen. Kết quả 10 tháng đầu năm 2020, hoạt động tín dụng của chi nhánh tăng 1.150 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 91%.
Bên cạnh đó, Agribank Nam Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận liên ngành số 01 và 02 giữa Hội nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Agribank; bám sát mục tiêu định hướng của Ban chỉ đạo tỉnh để tăng trưởng phù hợp và nâng cao chất lượng cho vay qua tổ; phổ biến kịp thời giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của Agribank, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng, đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy mà tín dụng đen gây ra. Nội dung tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi giải ngân cho vay qua tổ, các cuộc họp dân, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã, phường,v.v. Tiếp tục triển khai hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại địa bàn huyện Quảng Xương. Doanh số cho vay qua tổ 10 tháng đầu năm đạt 1.730 tỷ đồng, dư nợ đến 31/10/2020 đạt 3.400 tỷ với gần 1.300 tổ vay vốn và 42 ngàn tổ viên.
Trong năm 2020, Agribank Nam Thanh Hóa đẩy mạnh triển khai sản phẩm cho vay thấu chi qua thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, với hạn mức thấu chi tài khoản lên tới 30 triệu đồng và nhiều ưu đãi phí dịch vụ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nhanh của người dân và hạn chế được tình trạng tín dụng đen. Đến nay, chi nhánh đã cấp thấu chi cho 3.100 khách hàng, hạn mức thấu chi hơn 66 tỷ đồng.
Có thể nói, Agribank Nam Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân biết đến sản phẩm dịch vụ ngân hàng, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng, nâng cao đời sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” hiệu quả.