Hỏi đáp về Bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi là gì? Tại Việt Nam có bao nhiêu tổ chức BHTG và chức năng của tổ chức này là gì? Loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi nào không được bảo hiểm? Đây là những câu hỏi không phải ai cũng biết câu trả lời.
Page Content
1. Hỏi: Bảo hiểm tiền gửi là gì?
Đáp: Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
2. Hỏi: Tại Việt Nam có bao nhiêu tổ chức BHTG và chức năng của tổ chức này là gì?
Đáp: Ở Việt Nam hiện nay có duy nhất 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ. Theo Điều 2, Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BHTGVN và quy định chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN: “BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.”
3. Hỏi: Loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi nào không được bảo hiểm?
Đáp: Theo Điều 18, Luật BHTG: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”
Theo Điều 19, Luật BHTG và khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP, tiền gửi không được bảo hiểm gồm: “Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó; tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.”
Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được BHTG.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam