Điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, thương lượng với đối tác, nỗ lực tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên, phụ liệu mới... là những động thái mà không ít doanh nghiệp ở Thanh Hóa đang triển khai để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19.
Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da. Do phụ thuộc đến 90% nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc, Đài Loan nên khi các nhà máy tại nước này đóng cửa, tạm thời đóng các cửa khẩu, hạn chế giao dịch, tất cả các doanh nghiệp may mặc, giày da đều lâm vào cảnh khó khăn. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết ở thời điểm này, các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ các đối tác Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên.
Các doanh nghiệp may mặc gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu.
Được biết, Hiệp hội Dệt may tỉnh cũng đã định hướng cho các doanh nghiệp nghiên cứu, thay thế nguồn nguyên liệu từ các đối tác khác nhưng gặp khó khăn do giá thành cao hơn làm tăng các chi phí đầu vào, trong khi các đơn hàng đã được ký kết và thống nhất về giá. Bên cạnh đó, với các công ty may gia công, chủ hàng là đối tác Trung Quốc hiện chưa sang được Việt Nam hoặc đang bị cách ly do dịch bệnh Covid -19, cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp.
Công ty CP May Tùng Phương (huyện Thọ Xuân) là một trong những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 700 lao động, đang có nguy cơ phải ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Ông Chu Văn Hương - Giám đốc công ty cho biết: “Do 100% nguyên, phụ liệu nhập từ Trung Quốc nên hiện tại nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn hàng may mặc xuất khẩu đã được ký kết nhưng không thể nhập được nguyên liệu để sản xuất. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công nhân nhà máy sẽ phải nghỉ làm. Hiện công ty còn tồn đọng số lượng lớn hàng may mặc đã thành phẩm trị giá khoảng 5 triệu USD không thể xuất bán.”
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 70 doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với 143.000 lao động. Đây là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, chủ yếu sản xuất may mặc, da giầy có các đối tác chủ yếu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Báo cáo công đoàn các công ty cho thấy đến hết tháng 3/2020 nhiều doanh nghiệp sẽ hết nguyên liệu đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc cung cấp nguyên, phụ liệu bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đơn hàng và công việc của lao động trong nhà máy. Hiện nguồn nguyên liệu của nhà máy không còn nhiều, nhưng để có công việc nhà máy buộc phải nhập một số nguyên liệu tối thiểu theo đường hàng không và ưu tiên cho những đơn hàng gấp cho khách hàng. Đồng thời, đàm phán với phía khách hàng để kéo dài thời hạn giao hàng nhằm đảm bảo công việc cho người lao động”.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngày 25/2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 207/THHI về việc “Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh do viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19)”. Theo nội dung công văn: “...Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid-19 để thực hiện. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...”.
Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết: “VCCI Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung vào một số giải pháp như:Thành lập tổ công tác rà soát các dự án đã có chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục đầu tư, giải quyết sớm hơn về mặt thủ tục so với thời gian quy định để giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện dự án, sớm triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh; hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để doanh nghiệp không cảm thấy bị phiền hà trong bối cảnh họ đang phải nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, khoanh nợ thuế, giãn thời gian nộp thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh”...
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa: “Đến thời điểm hiện tại đa phần các công ty vẫn duy trì tốt việc làm cho công nhân, lao động. Các doanh nghiệp đã chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân đầy đủ. Hiện các doanh nghiệp đang đưa ra các giải pháp lựa chọn nguyên liệu sản xuất từ các thị trường khác, thay thế cho thị trường Trung Quốc, nhằm bổ sung nguyên liệu kịp thời, có công ty đã lập xưởng sản xuất nguyên liệu ngay tại Thanh Hóa, chứ không thể để cho công nhân, người lao động nghỉ việc. Có một vài bộ phận công ty cho công nhân làm việc 7h/ngày, không có giờ tăng ca và được nghỉ thứ 7, có bộ phận cho công nhân nghỉ phép năm. Đây cũng là cách để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong bối cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất như hiện nay.”