Tín dụng chính sách góp phần đắc lực trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng NTM.
Đơn cử, tại huyện Nga Sơn, nhờ các chương trình tín dụng từ NHCSXH, nhiều hộ dân đã có thêm sự tự tin, yên tâm hơn về đồng vốn để bám ruộng, bám nghề truyền thống. Thành quả cho sự kiên trì ấy là sự khởi sắc về thị trường, giá cả các sản phẩm đến từ thương hiệu chiếu cói Nga Sơn.
Trong những ngày nắng như “đổ lửa” này, ông Trịnh Văn Mậu (thôn 3, xã Nga Tiến) tranh thủ thu hoạch cho hết mấy sào cói cho được nắng. Ông Mậu: Trời càng nắng thì việc thu hoạch cói càng bớt cái lo, bởi làm cói mà mưa thì chất lượng rất kém. Quệt vội những giọt mồ hôi đang túa ra, ông Mậu nhẩm tính, với 6 sào cói vụ này, cho chắc thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Trừ đi mọi chi phí, gia đình cũng có một nguồn thu đáng kể.
Cũng nhờ vào cây cói, gia đình ông Mậu đã thoát được diện hộ nghèo của thôn, xã. Và để có thể bám trụ được với cây cói, thì đồng vốn của NHCSXH huyện chính là cứu cánh cho ông và gia đình. Minh chứng cho điều đó, ông Mậu bảo, từ nguồn vốn vay 50 triệu đầu năm 2017, đã trích một phần vào đầu tư cải tạo ruộng cói, và mua máy se lõi. Mỗi năm, mưa thuận, gió hòa, cây cói có giá cũng cho gia đình thu nhập lãi lời vài chục triệu đồng.
Đánh giá cao vai trò của vốn tín dụng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo, ông Mậu dẫn chứng, nếu như ngày trước hộ gia đình ông được vay vốn hộ nghèo, rồi cận nghèo, thì nay diện mới thoát nghèo, gia đình ông vẫn được ưu ái tiếp cận nguồn vốn mới. Nhờ chính sách thiết thực đó, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ gia đình khác đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, để khuyến khích, vận động các hộ đầu tư vào trồng, sản xuất từ cói, ngoài vai trò đồng vốn tín dụng đến từ các ngân hàng trên địa bàn huyện, huyện Nga Sơn cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Cụ thể, ngoài những chính sách hỗ trợ người trồng cói thì những năm gần đây, huyện Nga Sơn còn có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất chiếu cói và sản phẩm từ cói.
Cụ thể, nếu các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tại Cụm công nghiệp Tam Linh (xã Nga Mỹ và xã Nga Văn) sẽ được huyện hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là 20% kinh phí mua máy dệt chiếu mới và đưa vào sản xuất ổn định đối với doanh nghiệp (không quá 20 triệu đồng/máy); hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo một phần kinh phí khi đầu tư mua máy se lõi mới (không quá 600 nghìn đồng)...
Không chỉ trên bình diện phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, mà nhiều chương trình tín dụng chính sách khác (như: vay giải quyết việc làm, vay NS & VSMT, vay xây nhà, vay mua nhà ở xã hội...), trên nhiều bình diện, tiêu chí đã góp phần đắc lực trong mục tiêu huyện Nga Sơn “cán đích” huyện NTM sắp tới.
Tính đến ngày 20/6, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đạt hơn 455 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt hơn 120 tỷ đồng, dư nợ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 98 tỷ đồng...
Không chỉ huyện Nga Sơn mà trên toàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang góp phần hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. NHCSXH tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho người dân tại các địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được chuyển tải đến hộ vay thông qua ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới hàng nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm, tổ dân phố.
Theo số liệu thống kê của NHCSXH Thanh Hóa, trong giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn NHCSXH đã cho 463.800 lượt hộ vay vốn; giúp 889 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho 2.244 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn; xây dựng 7.589 nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội... Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 24/6, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH Thanh Hóa đạt 9.858,7 tỷ đồng, với 306.604 khách hàng còn vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đã có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều học sinh con hộ nghèo có điều kiện tiếp tục theo học các chương trình đào tạo nghề, đại học, tạo dựng cơ hội thoát nghèo.