Theo đại diện VPBank, bộ ba ngân hàng – trung gian thanh toán và nhà chăn nuôi hợp tác tài trợ vốn lưu động cho đại lý thức ăn chăn nuôi của C.P căn cứ trên doanh số mua hàng bình quân hàng tháng từ công ty sẽ được ngân hàng thẩm định và cấp một hạn mức vay vốn thấu chi, không cần thế chấp tài sản nhưng tối đa 3 tỷ đồng/đại lý.
|
Một số sản phẩm cho vay, gửi tiết kiệm được ngân hàng giải ngân qua ví điện tử |
Ví điện tử TrueMoney cùng với C.P Việt Nam và VPBank để hệ thống hóa cơ sở dữ liệu khách hàng đối tác. Sau khi thông tin đại lý được cập nhật vào ứng dụng liên kết giữa ngân hàng và trung gian thanh toán, ngân hàng sẽ thực hiện các bước thẩm định và chấp thuận khoản vay để các đại lý sử dụng nhằm thanh toán tiền mua sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm của C.P. Việc thực hiện các thủ tục cho vay, lựa chọn thời điểm, số tiền muốn vay, thời hạn vay sẽ được các đại lý của C.P chủ động thao tác trên ứng dụng liên kết ngân hàng và trung gian thanh toán cài đặt trên ứng dụng điện thoại di động của đại lý. Theo đó, giải ngân, thu nợ gốc, nợ lãi cũng được thực hiện trên nền tảng công nghệ của trung gian thanh toán.
Hoạt động cho vay thông qua nền tảng liên kết với ví điện tử này giúp ngân hàng thực hiện cấp hạn mức nhanh chóng, hồ sơ chứng từ được số hóa tiện lợi, giao dịch giải ngân, thu nợ thuận tiện. Đặc biệt, các khách hàng chủ động thời điểm vay vốn và trả nợ phù hợp với nhu cầu, thời cơ kinh doanh nên hiệu quả sử dụng vốn ở mức rất cao.
Sở dĩ ví điện tử TrueMoney có thể chen chân vào hợp tác truyền dẫn vốn tín dụng giữa ngân hàng với các DN đại lý trong chuỗi phân phối của C.P Việt Nam do trung gian thanh toán này là cánh tay nối dài của Tập đoàn C.P (Thái Lan). Đến thời điểm hiện tại, ví điện tử này có 40 triệu tài khoản người dùng ở 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có khoảng 5 triệu tài khoản tại Việt Nam.
Việc VPBank hợp tác với ví điện tử để truyền dẫn vốn vay vào các DN nhỏ và các đại lý trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Ngoài ra, ngân hàng này đang liên kết cho vay đối với các DN nước ngoài lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi như Cargill, De Heus, Japfa, ANT… theo phương thức truyền thống. Đây có thể là một cơ hội mở cho các ví điện tử liên kết với ngân hàng trong hoạt động kinh doanh cấp tín dụng và thanh toán giải ngân khoản vay.
Trên thị trường hiện nay, trong số 32 ví điện tử đang hoạt động, một số ví là con đẻ của NHTM hoặc các tập đoàn kinh tế, có những ví điện tử tạo lập cho riêng mình một hệ sinh thái kinh doanh rộng lớn đã có hợp tác với hầu hết các NHTM. Chẳng hạn ví Việt của LienVietPostBank thời gian qua đã thực hiện sản phẩm tiết kiệm online và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online được ngân hàng này cho rằng khá hiệu quả. VinID Pay của Tập đoàn VinGroup, Bankplus của Tập đoàn Viettel và MB...
Mặc dù mới chỉ làm dịch vụ trung gian thanh toán, chưa có những hợp tác 3 bên kiểu như TrueMoney Việt Nam, VPBank và C.P Việt Nam để cung cấp các sản phẩm vay vốn nhanh cho khách hàng, nhưng với hệ sinh thái kinh doanh rộng lớn của VinGroup và Viettel, khả năng triển khai những sản phẩm, dịch vụ tài chính tương tự là hoàn toàn có thể sẽ mang lại hiệu quả cho các bên.
Ngoài ra, VietJet Air mới đây đã góp vốn chuẩn bị cho ra đời ví điện tử nhằm thực hiện các hoạt động thanh toán trong hệ sinh thái ngân hàng HDBank – tài chính tiêu dùng HDSaison – hàng không VietJet – Vinamilk – bất động sản trong Tập đoàn Sovico Holdings cũng hứa hẹn một mô hình hợp tác giữa ví điện tử với ngân hàng trong một hệ sinh thái rộng lớn.