Những tháng cuối năm việc giải ngân ngân vốn đầu tư công cho các dự án lớn sẽ có sự tăng tốc, nhu cầu vay tài trợ cho các dự án này sẽ tăng cao. Tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có tiềm năng và có thể tăng cao vào dịp cuối năm, nên các ngân hàng thương mại sẽ tận dụng để đẩy tín dụng. Với những nỗ lực trên của ngành Ngân hàng cùng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tạo sự phục hồi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, khả năng tăng trưởng khả thi của ngành Ngân hàng sẽ đạt mức 9%.
* Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19
9 tháng đầu năm 2020, trước những ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cùng toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang quyết liệt triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất, tín dụng, thanh toán, tập trung mọi nguồn lực nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do dịch, cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu phát triển mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra ngay từ đầu năm.
NHNN tiếp tục điều hành thị trường mở linh hoạt thông qua chào mua, bán giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp, hỗ trợ kịp thời thanh khoản cho các TCTD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong điều kiện vốn khả dụng dư thừa, NHNN đã thực hiện chào bán trái phiếu NHNN với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành đồng bộ các công cụ khác như ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, … Góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường.
Mặt khác, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành. Trong 9 tháng đầu năm NHNN đã có 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với qui mô tương đối lớn và liên tục (ngày 17/3/2020, ngày 13/5/2020 và ngày 30/9/2020), với tổng mức giảm lên tới 1,5 – 2% để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, NHNN cũng đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên (gồm: NN N.thôn; xuất khẩu; DNNVV; CN hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao) của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1%/năm, tức là về sát với mức lãi suất huy động ngắn hạn của TCTD. Đây là sự thể hiện thông điệp mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Trong bối cảnh kinh tế, tài chính Thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19, tâm lý thị trường có thời điểm bị tác động tiêu cực, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô. Hiện nay, tỷ giá ổn định quanh mức 23.175 VND/USD, tương đương mức cuối năm 2019. Trong khi đồng tiền của nhiều nước trong khu vực và thế giới mất giá mạnh, thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Đối với hoạt động cấp tín dụng, những tháng đầu năm cầu tín dụng thấp, các TCTD đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, qui mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn mở rộng SXKD và tiêu dùng của khách hàng chững lại, việc giải ngân vốn đạt thấp. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ra đời đã có nhiều giải pháp mạnh hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đó là, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo dòng tiền và thanh khoản cho khách hàng vay vốn; giảm mạnh lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính của TCTD. Theo đó, đến ngày 30/9/2020 tín dụng toàn quốc tăng khoảng 6,01%. (đến 30/9/2020 Thanh Hoá tăng 6,5%) so với cuối năm trước. Tuy tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay thấp so với nhiều năm trước, nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.
* Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp
Qua làm việc với một số doanh nghiệp trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng được giảm một phần lãi vay là rất đáng quý, song họ cần nhiều hơn ở ngành ngân hàng là: được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hơn là việc giảm lãi suất; được tiếp tục vay mới để khôi phục và ổn định SXKD. Từ đó, đảm bảo thực hiện đúng các Hợp đồng kinh tế đã ký kết với các đối tác. Đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng hạn mứhúcc tín dụng cho các TCTD để hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng lành mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần khôi phục và t đẩy tăng trưởng kinh tế. Các TCTD tiếp tục tập trung thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại nợ, hồ sơ vay vốn của khách hàng, nhưng không nới lỏng, hạ thấp các điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng.
Đến 21/9/2020, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 272 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 321 nghìn tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 489,3 nghìn khách hàng với dư nợ 1.165,3 ngàn tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 1.664 ngàn tỷ đồng cho hơn 316,4 nghìn khách hàng, lãi suất cho vay mới thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay có khoảng 19,66% dư nợ tín dụng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các Chi nhánh NHTM trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.386 khách hàng với dư nợ là 3.408 tỷ đồng. Trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.262 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 2.870 tỷ đồng; Cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 6.719 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 30/9/2020 là 21.257 tỷ đồng.
* Dự báo
Kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2020 dự báo tiếp tục bị suy thoái, do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, dự báo có nguy cơ bùng phát cao bởi làn sóng thứ hai. Trong khi đó, các tác động từ Chiến tranh thương mại leo thang, bảo hộ lan rộng khiến niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, triển vọng bấp bênh ở nhiều nền kinh tế, nguy cơ xung đột, tranh chấp địa chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt. Trong nước, những nỗ lực vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đầy phát triển kinh tế của Chính phủ giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin vào sự phục hồi nền kinh tế; việc giảm lãi suất điều hành của NHNN đã giúp tạo nguồn vốn giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, nên mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, nhiều tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các tổ chức tín dụng cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động, có điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp hơn. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận cận vốn mở rộng sản xuất hiện tại cũng như sau khi kết thúc dịch Covid-19.
Những tháng cuối năm việc giải ngân ngân vốn đầu tư công cho các dự án lớn sẽ có sự tăng tốc, nhu cầu vay tài trợ cho các dự án này sẽ tăng cao. Tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có tiềm năng và có thể tăng cao vào dịp cuối năm, nên các ngân hàng thương mại sẽ tận dụng để đẩy tín dụng. Với những nỗ lực trên của ngành Ngân hàng cùng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tạo sự phục hồi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, khả năng tăng trưởng khả thi của ngành Ngân hàng sẽ đạt mức 9%.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, các TCTD tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án khả thi, phương án SXKD có hiệu quả, khả năng phục hồi sau dịch; Khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các Quỹ tín dụng nhân dân đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông …); các TCTD tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, nhưng không được phép nới lỏng điều kiện tín dụng, để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng nhiều năm tới đây. Dự kiến khả năng tăng trưởng khả thi của ngành Ngân hàng Thanh Hoá sẽ đạt mức 9,5% - 10% vào cuối năm nay. Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới, nhưng vẫn dừng ở mức cho phép./.
ĐỖ TIẾN PHÚC
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hoá