LỊCH SỬ NGÂN HÀNG THANH HOÁ

100%

Cách đây 68 năm, ngày 6/5/1951, tại Hang Bòng thuộc xã Tân Trào, Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - chính thức khai sinh một ngành kinh tế mới cho đất nước -  ngành Ngân hàng. Thực hiện Sắc lệnh số 15 của Chủ tịch nước, ở tỉnh Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 17 - 7 - 1951, tại thôn Phú Liễm, xã Thọ Thế, huyện Thọ Xuân (nay thuộc huyện Triệu Sơn) Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thanh Hoá được thành lập (trên cơ sở hợp nhất Chi nhánh tín dụng và Ty Ngân khố). Với nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ này là: Xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất, kiến thiết kinh tế, chi viện nhân tài vật lực cho tiền tuyến.

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời thực sự là một bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển nền tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Lần đầu tiên nước ta có một Ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân, là kết quả của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta. Nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là “... nắm vững hai việc chính là phát hành giấy bạc và quản lý Kho bạc, thực hành chính sách tín dụng để phát triển sản xuất. Phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch”.

 

Trong điều kiện đó, Ngân hàng Quốc gia đã tổ chức quản lý phát hành tiền và điều hoà lưu thông tiền tệ, đấu tranh thắng lợi về tiền tệ với địch và ổn định kinh tế trong thời chiến; Quản lý Kho bạc Nhà nước góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất thu chi ngân sách; Phát triển tín dụng Ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh; Quản lý ngoại hối và đấu tranh với địch trên thị trường ngoại tệ. Tuy mới ra đời, nhưng hoạt động của Ngân hàng Quốc gia đã vượt qua khó khăn, thử thách khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc, kết thúc bằng trận thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Trong giai đoạn này, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Duy Phượng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, kiêm Trưởng Chi nhánh đầu tiên cùng 42 cán bộ của toàn ngành đã nhanh chóng ổn định tổ chức trong những ngày đầu mới thành lập, bước ngay vào thực hiện nhiệm vụ ngân hàng tại một tỉnh lớn trong vùng tự do. Ngân hàng Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh công tác cho vay phục vụ sản xuất, thu mua nắm nguồn hàng, quản lý và điều hoà lưu thông, giảm thấp mức bội chi tiền mặt, ổn định giá cả, đời sống nhân dân; phối hợp với cơ quan tài chính và chính quyền các cấp thực hiện việc thu thuế nông nghiệp bằng tiền ở nông thôn và phát hành công trái quốc gia tại địa phương.

 

Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến hành khôi phục kinh tế, chuyển sang thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Miền Bắc làm căn cứ vững mạnh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà. Hoạt động của Ngân hàng quốc gia cũng được chuyển hướng thích hợp, hướng trọng tâm hoạt động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của đất nước trong giai đoạn này, trở thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước thúc đẩy công nghiệp và nông nghiệp phát triển, trên cơ sở đó củng cố lưu thông tiền tệ, ổn định giá cả và giá trị đồng tiền. Hệ thống Ngân hàng đã là công cụ đắc lực của chính quyền cách mạng trên các mặt trận: tiếp quản vùng giải phóng và khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1955-1957); cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958-1960); phục vụ công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế qua nhiều kế hoạch 5 năm; phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.  

 

Ngày 26/4/1957, Chính phủ đã cho thành lập Ngân hàng kiến thiết (thuộc Bộ Tài chính) tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và phát triển hiện nay, chuyên cấp phát và cho vay xây dựng cơ bản; Năm 1963, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ra đời hoạt động trên lĩnh vực tín dụng xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế. Hai Ngân hàng này về sau đều nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Ngày 21/01/1960, Ngân hàng quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phù hợp với Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959. Trong giai đoạn này, hệ thống Ngân hàng đã được mở rộng dần xuống tận huyện, thị xã, các xã thuộc vùng nông thôn. Ngoài ra, trên toàn quốc còn có trên 7.000 hợp tác xã tín dụng. Ở Thanh Hóa có 542 HTX tín dụng được thành lập và hoạt động trên địa bàn các xã nông thôn.

Trong giai đoạn này, Ngân hàng Thanh Hóa luôn bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành. Phục vụ tích cực cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế (1955-1960), mở rộng quan hệ tín dụng, thực hiện tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt, huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển thành phần kinh tế tập thể, Ngân hàng Thanh Hóa tập trung vốn và ưu tiên lãi suất cho vay các HTX mới thành lập. Vốn đầu tư dài hạn  trong 3 năm 1955-1957 là 3,27 triệu đồng và 3 năm từ 1958-1960 là 6,6 triệu đồng. Công tác thanh toán chi trả bằng chuyển khoản giữa các tổ chức kinh tế quốc doanh với các tổ chức kinh tế tập thể, giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh với các đơn vị hành chính sự nghiệp được đẩy mạnh.

          Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngành Ngân hàng Thanh Hoá đã tích cực đầu tư tín dụng, giúp các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, nghề biển xây dựng cơ sở vật chất và áp dụng kỹ thuật mới.

Cùng với phong trào vận động nhân dân gửi tiền, công tác cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, công tác tổ chức điều hoà lưu thông tiền tệ tại địa phương được đảm bảo và bội thu tiền mặt. Thanh Hoá đã trở thành tỉnh dẫn đầu trong cả nước về hoạt động ngân hàng.

          Trong những năm tháng Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, nền kinh tế bị đảo lộn lớn. Thanh Hoá với vị trí chiến lược trọng yếu về giao thông và kinh tế  đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Với sự nỗ lực của hàng trăm cán bộ ngân hàng, trụ sở, tài liệu, tiền bạc và phương tiện làm việc nhanh chóng được sơ tán an toàn về nông thôn và chuyển hướng hoạt động thích ứng với tình hình mới. Các cán bộ làm công tác tín dụng, tiền tệ, huy động tiết kiệm thường xuyên bám sát các đơn vị kinh tế, nhân dân, các đơn vị bộ đội để thu chi tiền mặt. Trong những ngày tháng ác liệt này, đã có 3 cán bộ ngân hàng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Để giúp Lào xây dựng tổ chức Ngân hàng, Thanh Hóa đã cử 10 cán bộ đi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn. 70 cán bộ được điều động đi làm công tác ngân hàng ở Miền Nam và trong quá trình phục vụ chiến đấu tại chiến trường 7 đồng chí đã anh dũng hy sinh.  

Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn về kinh tế và trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với những nhiệm vụ hết sức nặng nề, cán bộ Ngân hàng đã ra sức rèn luyện cả về hồng và chuyên, năng động sáng tạo trên mọi lĩnh vực hoạt động, từ hậu phương đến tiền tuyến, kể cả hoạt động tiền tệ trong lòng địch và một số địa bàn ở nước bạn Lào vô hiệu hóa âm mưu bao vây, phong toả của địch, bảo đảm chi viện tiền của cho chiến trường Miền Nam, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm tốt nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Các thế hệ cán bộ Ngân hàng đã giữ gìn được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tiền tệ, cần - kiệm – liêm - chính, kiên trung bất khuất, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ đảm bảo cho hoạt động tiền tệ-ngân hàng được thông suốt ngay cả trong chiến tranh cũng như những năm tháng khó khăn của nền kinh tế.

 

          Sau khi đất nước được thống nhất, năm 1975, các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế cũng như hệ thống tiền tệ - ngân hàng  theo mô hình ở Miền Bắc đã được thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, sau năm 1975, đặc biệt là trong những năm 1980, do hậu quả của chiến tranh kéo dài, thiên tai liên tục,  nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thái nặng nề. Cơ chế kế hoạch hoá tuy đã từng phát huy  hiệu quả trong điều kiện đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trong hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế sau chiến tranh... Nhưng đến thời điểm này đã không còn phù hợp, động lực kinh tế suy giảm mạnh, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng.

 

          Trong nhiều năm liên tục,  cán cân thanh toán quốc tế bội chi lớn, kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng, tình hình tài chính tiền tệ căng thẳng, lạm phát phi mã tới 3 con số, điển hình là năm 1986 lạm phát lên tới 774%, sản xuất đình trệ, đời sống của đại bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp  trong lĩnh vực phân phối lưu thông (cải cách giá- lương - tiền) nhưng chưa làm chuyển biến được tình hình. Đại hội VI của Đảng họp năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện mang tính chiến lược, mở đầu thời kỳ phát triển mới của đất nước. Bước khởi đầu đầy khó khăn này cũng chính là bước khởi đầu về cải cách hệ thống Ngân hàng, chuyển dần từ tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh  XHCN.

 

Trong những năm tháng này, Ngân hàng Thanh Hóa vẫn đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là: tích cực mở rộng hoạt động tín dụng dài hạn và vốn lưu động, cải tiến phương thức cho vay, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu vốn cho các tổ chức kinh tế để khai thác tiềm năng. Trong 10 năm 1976-1985, vốn tín dụng dài hạn đạt 1.995 triệu đồng, gấp 17 lần so với 10 năm 1966-1975. Riêng trong lĩnh vực kinh tế quốc doanh đạt 1.350 triệu đồng. Tổ chức kinh tế tập thể tiếp tục được đầu tư thực hiện thâm canh, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Dư nợ tín dụng vốn lưu động đến cuối năm 1985 gấp 36 lần năm 1975. Công tác nguồn vốn được chú trọng đúng mức. Cuối năm 1985, toàn tỉnh đã huy động, quản lý và tập trung được nguồn vốn, đáp ứng được 96% nhu cầu vốn tại địa phương. Số dư tiền gửi tiết kiệm đến cuối năm 1984 đạt 377.781 nghìn đồng, bằng 441% năm 1980. Trong 10 năm 1976-1985, nguồn thu tiền mặt gấp 7,2 lần 10 năm 1966-1975.

 

          Trong thời kỳ này, Ngân hàng tỉnh Thanh Hóa đã chi viện 250 cán bộ cho các tỉnh phía Nam để xây dựng hệ thống Ngân hàng, 7 cán bộ đi giúp Ngân hàng Lào và Cămpuchia. Ngân hàng tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức Ký kết hợp tác và giúp đỡ Ngân hàng tỉnh Hủa- Phăn của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đến sự ra đời của Hai pháp lệnh Ngân hàng được công bố vào ngày 24/05/1990, là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động  Ngân hàng sang cơ chế  mới phù hợp với chủ trương phát triển  nề kinh tế hàng hoá nhiều thành phần  có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Trên cơ sở đó, hệ thống Ngân hàng được đổi mới căn bản và toàn diện từ ngân hàng một cấp vừa quản lý vừa kinh doanh thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và là Ngân hàng Trung ương, hệ thống các Ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

 

Thực hiện những chủ trương đổi mới sáng suốt đó của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Được sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Ngân hàng Thanh Hóa đã tích cực triển khai thành lập các Ngân hàng kinh doanh trên địa bàn theo tinh thần Nghị định 53/HĐBT một cách khẩn trương. Trong năm 1988, ba ngân hàng là: Ngân hàng Công thương Thanh Hóa, Nông nghiệp Thanh Hóa, Đầu tư & Xây dựng Thanh Hóa được thành lập, đóng trụ sở trên địa bàn Phường Điện Biên- Thị xã Thanh Hóa. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa lúc này tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ-tín dụng-thanh toán trên địa bàn tỉnh.

Qua một số năm thực hiện, từ thực tiễn cũng như từ yêu cầu phải đưa hoạt động ngân hàng vào khuôn khổ pháp luật cao hơn, hai Pháp lệnh Ngân hàng đã được tổng kết, nâng lên thành hai Luật về Ngân hàng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/10/1998.

Hoạt động tín dụng phần lớn đã được thực hiện trên nguyên tắc thương mại và cơ bản bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính của tổ chức tín dụng. Nhiều công cụ thị trường và dịch vụ ngân hàng hiện đại đã được đưa vào hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế.

Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ cũng không ngừng được hoàn thiện. Việc điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được áp dụng ngày càng có hiệu quả. Các công cụ quản lý hành chính trực tiếp từng bước được thay thế bởi các công cụ quản lý gián tiếp như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất cơ bản, điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt... Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống ngân hàng cũng không ngừng phát triển, khai thác được một nguồn vốn đáng kể cho phát triển đất nước.

         

Sau 33 năm đổi mới mô hình tổ chức, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã không ngừng hoàn thiện, mở rộng mạng lưới hoạt động trên cơ sở tăng cường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, mạng lưới ngân hàng ngày càng phát triển, các chi nhánh, phòng giao dịch phủ kín trong toàn tỉnh, tổ chức mạng lưới của ngành Ngân hàng Thanh Hóa gồm 102 TCTD và Chi nhánh TCTD. Gồm: 03 Chi nhánh Agribank, 03 Chi nhánh Vietinbank, 03 Chi nhánh BIDV, 02 Chi nhánh Vietcombank, 18 Chi nhánh NHTMCP tư nhân; 1 Chi nhánh Ngân hàng CSXH; 1 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển; 01 Chi nhánh Công ty kiều hối Đông Á; 1 Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM TNHH Thanh Hóa); 1 Chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (quỹ Tình thương); 01 Chi nhánh ngân hàng HTX và 67 QTDND. Ngành Ngân hàng Thanh Hóa luôn không ngừng lớn mạnh, và phát huy vài trò của một ngành kinh tế quan trọng, đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Thanh Hoá.

Năm 2018, ngành NH Thanh Hóa hoàn thành toàn diện các lĩnh vực hoạt động. Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 83.250 tỷ đồng; Dư nợ cho vay đạt khoảng 104.500 tỷ đồng. Với quy mô đó, Thanh Hóa chính thức lọt vào top địa phương có dư nợ lớn trên 100 ngàn tỷ đồng. Nhưng nợ xấu ở mức rất thấp (khoảng 0,65%) chỉ bằng 1/3 bq toàn quốc. Các TCTD tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu đầu tư, vốn tín dụng tập trung  đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, cảng biển, kết cấu hạ tầng; Toàn địa bàn có 255 máy ATM, 915 máy POS được lắp đặt và đi vào hoạt động. 100% NHTM đã thực hiện kết nối liên thông thanh toán qua máy ATM, gần 1,4 triệu thẻ đã được phát hành. Mạng lưới dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ, an toàn nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và doanh nghiệp.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi nhánh NHNN tỉnh đã bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách về điều hành tiền tệ của Chính phủ và NHNN Việt Nam, phù hợp với điều kiện từng thời kỳ, tạo điều kiện tốt nhất cho các TCTD chủ động hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tích cực thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Khác với thời kỳ bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, tín dụng ngân hàng chuyển hướng phục vụ theo chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, với nhiều hình thức và phương thức cho vay khác nhau.

Đi đôi với việc phát triển  đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngân hàng cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư và hiện đại hoá, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng và trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Đến nay, khoảng 95% nghiệp vụ ngân hàng đã được tin học hoá, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến đã được đưa vào khai thác ứng dụng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã quan tâm đến việc bổ sung các kiến thức về pháp luật, về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh và nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, đã gắn công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ với công tác tuyển dụng, quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức mới, bảo đảm cho bộ máy điều hành quản trị các ngân hàng trên địa bàn an toàn và hiệu quả.

Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của ngành ngân hàng Thanh Hóa đã ghi đậm những dấu ấn thành công. Như một nghĩa cử “ uống nước nhớ  nguồn” tiếp bước lớp cha anh đi trước, trong những năm qua, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động đảm bảo an sinh xã hội trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng nhà ở cho người nghèo, nhận nuôi dưỡng Bà mẹ VNAH, chăm sóc người có công với cách mạng, tài trợ các công trình phúc lợi xã hội, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo v.v... Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, ngành đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội ở địa phương.

          Trên chặng đường 68 năm xây dựng và phát triển, nhiều đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhiều năm liên tục kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, NHĐT&PT Thanh Hoá, NHNo&PTNT Thanh Hoá, NHCT Thanh Hoá, NHCS-XH Thanh Hoá, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và nhiều Ngân hàng cấp II đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và nhiều tập thể và cá nhân đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tặng Huân chương Lao động và Bằng khen. Đặc biệt NHNo&PTNT Quảng Xương đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trang sử vàng của ngành Ngân hàng Thanh Hoá không chỉ là công lao của riêng cán bộ ngành Ngân hàng Thanh Hoá mà là công lao chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Tiếp bước các thế hệ đi trước đã dày công xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành. Thế hệ trẻ ngành Ngân hàng Thanh Hoá đang nỗ lực đem hết sức lực và trí tuệ, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên bước đường đi tới, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hoá ngày càng giàu mạnh.

BAN BIÊN TẬP WEB NGÂN HÀNG THANH HOÁ

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 21/11/2024 như sau:
Tỷ giá trung tâm Tỷ giá
1 Đô la Mỹ = 23.249 VND
Bằng chữ Hai mươi ba nghìn hai trăm bốn mươi chín Đồng Việt Nam
Số văn bản 181/TB-NHNN
Ngày ban hành 21/11/2024
System.Net.WebException: The underlying connection was closed: An unexpected error occurred on a receive. ---> System.ComponentModel.Win32Exception: The client and server cannot communicate, because they do not possess a common algorithm at System.Net.SSPIWrapper.AcquireCredentialsHandle(SSPIInterface SecModule, String package, CredentialUse intent, SecureCredential scc) at System.Net.Security.SecureChannel.AcquireCredentialsHandle(CredentialUse credUsage, SecureCredential& secureCredential) at System.Net.Security.SecureChannel.AcquireClientCredentials(Byte[]& thumbPrint) at System.Net.Security.SecureChannel.GenerateToken(Byte[] input, Int32 offset, Int32 count, Byte[]& output) at System.Net.Security.SecureChannel.NextMessage(Byte[] incoming, Int32 offset, Int32 count) at System.Net.Security.SslState.StartSendBlob(Byte[] incoming, Int32 count, AsyncProtocolRequest asyncRequest) at System.Net.Security.SslState.ForceAuthentication(Boolean receiveFirst, Byte[] buffer, AsyncProtocolRequest asyncRequest) at System.Net.Security.SslState.ProcessAuthentication(LazyAsyncResult lazyResult) at System.Threading.ExecutionContext.RunInternal(ExecutionContext executionContext, ContextCallback callback, Object state, Boolean preserveSyncCtx) at System.Threading.ExecutionContext.Run(ExecutionContext executionContext, ContextCallback callback, Object state, Boolean preserveSyncCtx) at System.Threading.ExecutionContext.Run(ExecutionContext executionContext, ContextCallback callback, Object state) at System.Net.TlsStream.ProcessAuthentication(LazyAsyncResult result) at System.Net.TlsStream.Write(Byte[] buffer, Int32 offset, Int32 size) at System.Net.PooledStream.Write(Byte[] buffer, Int32 offset, Int32 size) at System.Net.ConnectStream.WriteHeaders(Boolean async) --- End of inner exception stack trace --- at System.Net.HttpWebRequest.GetResponse() at Tandan.Portal.ThanhHoa.CrawlTiGiaNganHangTrungUong.CrawlTiGiaNganHangTrungUongUserControl.GetHtmlFromLink(String SrcUrl) at Tandan.Portal.ThanhHoa.CrawlTiGiaNganHangTrungUong.CrawlTiGiaNganHangTrungUongUserControl.Page_Load(Object sender, EventArgs e)
°