Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, nhưng việc thúc đẩy tiến trình này vẫn còn gặp nhiều trở ngại, nhiều diễn giả tham dự diễn đàn Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp diễn ra chiều 26/8, tại Hà Nội, có chung nhận định này.
Đạt nhiều thành tựu lớn
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Cho đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử, tiếp tục được NHNN và các tổ chức tín dụng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng.
Các tổ chức tín dụng liên tục đưa ra sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại phục vụ khách hàng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.
"Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu", Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ.
Minh chứng cho sự phát triển tích cực của thanh toán không dùng tiền mặt, lãnh đạo Vụ Thanh toán dẫn số liệu, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện qua điện thoại di động; khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân, số lượng thẻ lưu hành đạt 106 triệu thẻ; số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019).
Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán quan tâm đẩy mạnh. Hiện đã có 30 ngân hàng triển khai thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
|
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu tại diễn đàn |
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cung ứng các giải pháp thanh toán hiện đại, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tập trung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu hướng thanh toán mới, mang lại thuận tiện nhất cho khách hàng.
Theo đó, ngân hàng đã kết nối thanh toán với 5 tổng công ty điện lực, các công ty viễn thông, truyền hình lớn, thanh toán cước phí dịch vụ điện, nước… thông qua đa dạng các kênh giao dịch như trích nợ tự động, QRPay…; triển khai thành công giải pháp thanh toán viện phí qua thẻ khám bệnh tại 30 bệnh viện lớn trên toàn quốc; kết nối với các hãng hàng không, các đơn vị quản lý toà nhà để cung cấp đa dạng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân.
Trong ngành điện lực, năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký thoả thuận hợp tác với 4 ngân hàng lớn, hoàn thành triển khai hoá đơn điện tử, đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng/ tổ chức trung gian nhằm nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt từ năm 2017, EVN không còn ngân viên đến nhà khách hàng thu tiền, mở rộng hợp tác với trên 30 ngân hàng và trên 10 tổ chức trung gian thanh toán.
Không chỉ ngành điện lực, ngành bưu chính cũng đạt nhiều kết quả thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáng khích lệ. Đơn cử, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc: Với dịch vụ chuyển phát, chúng tôi cung cấp cho người dùng những phương thức phù hợp để thực hiện thanh toán điện tử như thanh toán internet banking, ví điện tử ViettelPay, đối soát công nợ tự động trên App... Tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt hiện tại chiếm khoảng 25-30%.
|
Toàn cảnh diễn đàn |
Kỳ vọng, thách thức và giải pháp
Các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu tin rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu 80% người dân có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%.
Tuy nhiên, xét trong cả một quá trình dài, các chuyên gia nhận định mức độ cải thiện trong thanh toán không dùng tiền mặt là khá chậm và còn gặp nhiều trở ngại, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu thiết yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Từ góc nhìn của người nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng đưa ra một số hạn chế. Theo đó, các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số còn nhiều bất cập; đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp rất nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng của các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ; thói quen sử dụng tiền mặt là rào cản lớn nhất...
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra lý do người dân Việt Nam vẫn chi tiêu bằng tiền mặt, bởi Việt Nam chưa có chương trình giáo dục cộng đồng, giáo dục quần chúng cơ bản về sử dụng thanh toán phi tiền mặt…
Với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, NHNN đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đề ra một số giải pháp cụ thể. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới; hoàn thành kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, triển khai tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.
Đồng thời, khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng hình thức điện tử (e-KYC); phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn bằng những mô hình mới, giải pháp thanh toán phù hợp; tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp chuyển phát - thương mại điện tử, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề xuất: Ngân hàng thương mại nên có phương án giảm phí giao dịch chuyển tiền, đạc biệt là phí giao dịch thanh toán qua thẻ Visa/ Master Card; nên có chính sách khuyến khích người dân sử dụng ví điện tử; xây dựng QR Code dùng chung cho tất cả các ví điện tử để tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán của người dân.