Điểm giao dịch lưu động - Kênh dẫn vốn hiệu quả tới vùng sâu, vùng xa
Trước đây, để đến được điểm giao dịch của ngân hàng, bà con phải đi cả chục kilômét, rất mất thời gian. Khi Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (còn gọi là ngân hàng lưu động) trở thành công cụ hiệu quả để truyền tải sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đến với khách hàng.
Page Content
Thanh Hóa là một trong 30 địa phương đầu tiên trên cả nước được chọn để triển khai thử nghiệm thực hiện Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Điểm giao dịch lưu động sẽ thực hiện nhiều phiên trong tháng tại trụ sở UBND xã. Mô hình điểm giao dịch lưu động có cơ cấu tổ chức như một chi nhánh của Agribank, được thực hiện các nhiệm vụ theo quy định cũng như triển khai các dịch vụ của ngân hàng như: nhận gửi/rút tiền từ tài khoản; gửi/tút tiết kiệm; giải ngân, thu nợ; thu lãi tiền vay; tư vấn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng; phát hành thẻ; E-Banking; kiều hối;... Thời gian hoạt động cụ thể của Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ được Agribank Nam Thanh Hóa phối hợp cùng chính quyền địa phương thông báo trước 3 ngày để khách hàng có thể nắm bắt được lịch giao dịch. Ô tô chuyên dùng có két gắn liền với các phương tiện kỹ thuật an toàn, có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng... đảm bảo mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay tại ô tô chuyên dùng.
Agribank Nam Thanh Hóa triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng từ tháng 11/2018 tại huyện Quảng Xương. Sau gần 02 năm triển khai, Điểm giao dịch lưu động đã tăng trưởng một cách rõ rệt, đặc biệt là tăng trưởng sản phẩm tín dụng và các dịch vụ thanh toán. Cụ thể, đã tổ chức được 200 phiên giao dịch (mỗi tháng tổ chức 10 phiên giao dịch tại 10 xã), phục vụ gần 94 nghìn lượt khách hàng, daonh số cho vay qua Điểm giao dịch lưu động đạt 237 tỷ đồng.
Tại các phiên giao dịch lưu động, Agiribank Nam Thanh Hóa đã chú trọng triển khai thêm các nghiệp vụ tiện ích như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ phát hành thẻ, hướng dẫn khách hàng sử dụng E-Mobile Banking, SMS… có thể nói qua triển khai dịch vụ ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng Agribank Nam Thanh Hóa đã đưa được những dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với các khách hàng ở vùng sâu vùng xa. Ngoài sự thuận lợi của điểm giao dịch lưu động thì hình ảnh của thương hiệu Agribank đã được củng cố tới đông đảo khách hàng.
Ông Hào (Quảng Nhân, Quảng Xương, Thanh Hóa) – khách hàng của Agribank Nam Thanh Hóa cho biết thêm, giờ đây, người dân được tiếp cận các dịch vụ tại chỗ, giảm thiểu thời gian đi lại. Đặc biệt, bà con đã biết sử dụng các sản phẩm của ngân hàng như: Mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… Chính quyền địa phương đánh giá rất cao những kết quả mà Agribank Nam Thanh Hóa đã đạt được. Thời gian tới, Agribank Nam Thanh Hóa sẽ nghiên cứu tăng số lượng phiên giao dịch tại các địa bàn đã hoạt động, mở thêm phiên giao dịch ở các xã mới để tạo thuận lợi nhất đến với bà con.
Với những kết quả tích cực đạt được, có thể nói Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa. Điểm giao dịch lưu động đã góp phần giúp Agribank Nam Thanh Hóa phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. Từ đó góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi góp phần tăng uy tín, vị thế của Agribank Nam Thanh Hóa, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Minh Trang – Agribank Nam Thanh Hóa