Cho vay ngang hàng (Peer - to Peer Lending) là một kênh tín dụng phát triển nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ (Fintech) đã có sự mở rộng với tốc độ nhanh chóng ở nhiều nước phát triển và đang phát triển trong vòng hơn một thập kỷ gần đây. Được dự đoán là một trong những nhân tố nổi bật thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính nói chung và thị trường tín dụng ngân hàng nói riêng, cho vay ngang hàng đang gây nên sự chú ý đặc biệt của các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu và các đối tác tham gia thị trường.
Theo nghiên cứu của Transparency Market Research, thị trường cho vay ngang hàng sẽ đạt quy mô gần 1000 tỷ USD vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng bình quân 48,2%/năm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường cho vay ngang hàng ở nhiều nước đang nằm trong khoảng hở của thể chế luật pháp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cơ chế hoạt động, lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của hoạt động cho vay ngang hàng. Bài viết cũng cung cấp một số kinh nghiệm trong việc thiết lập hành lang pháp lý đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và an toàn của hình thức cho vay ngang hàng ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển.
1. Cho vay ngang hàng - một hình thức huy động và tài trợ vốn cộng đồng có nhiều điểm khác biệt với mô hình tài trợ truyền thống
Cho vay ngang hàng còn có những tên gọi khác như cho vay giữa cá nhân (Person - to - Person) hay P2P, hoặc cho vay tại chỗ (Marketplace Lending) là một hình thức tài trợ vốn cộng đồng (Crowdfunding) xuất hiện đầu tiên ở Anh vào năm 2005. Đây là hình thức huy động và tài trợ vốn phi truyền thống dựa vào việc ứng dụng công nghệ để kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng Internet. Khác với hình thức huy động và tài trợ vốn truyền thống, nhà cung cấp dịch vụ (Platform) chỉ là người cung cấp giải pháp phần mềm để người cho vay (nhà đầu tư) và người đi vay kết nối và trực tiếp thỏa thuận về quy mô, lãi suất, thời hạn và các điều kiện khác liên quan đến khoản vay. Nhà cung cấp dịch vụ chỉ đóng vai trò trung gian kết nối và hưởng phí giao dịch từ người đi vay và người cho vay. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò như một nhà tư vấn tài chính: đánh giá mức độ tín nhiệm của người vay, cung cấp thông tin giải ngân, đôn đốc thu hồi nợ và đóng vai trò như một đơn vị ủy quyền của người cho vay đứng ra thu nợ. Cho vay ngang hàng ban đầu chỉ tập trung vào thị trường thế chấp và tái tài trợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đối tượng cho vay ngang hàng ngày càng mở rộng, đặc biệt với hình thức cho vay mua sắm tiêu dùng đối với cá nhân, cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… là những đối tượng khó tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng truyền thống. Một quy trình cho vay ngang hàng điển hình sẽ được thực hiện như sau:
(1) Người vay đưa ra đề xuất nhu cầu vay vốn: quy mô, thời hạn, lãi suất…
(2) Nhà cung cấp (platform) cân nhắc, đánh giá cho điểm tín dụng dựa trên những thông tin do người vay cung cấp và các nguồn thông tin tích hợp có sẵn và xác định mức lãi suất tương ứng với mức độ rủi ro của khoản vay và đăng tải lên trang web của nhà cung cấp.
(3) Người cho vay (nhà đầu tư) tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên cơ sở các đơn hàng trên trang web để lựa chọn theo lãi suất và mức độ rủi ro đáp ứng yêu cầu của mình.
(4) Nếu có đủ các nhà đầu tư đồng ý tài trợ cho khoản vay (thông thường một khoản vay được chia thành nhiều món nhỏ để nhiều nhà đầu tư cùng tham gia cho vay và mỗi nhà đầu tư có điều kiện đa dạng hóa danh mục), sẽ có một ngân hàng đối tác (originating bank) thẩm định và đứng ra thu xếp.
(5) Ngân hàng đối tác bán một loại chứng chỉ (notes) cho nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến khoản vay. Cùng lúc đó, nhà cung cấp dịch vụ bán chứng chỉ này cho nhà đầu tư đồng ý tài trợ cho khoản vay đã được xác định (nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò tương tự như một tổ chức bảo lãnh phát hành chứng chỉ cho ngân hàng).
(6) Tiền vay sau đó được chuyển vào tài khoản của người vay tại ngân hàng đối tác.
(7) Nhà cung cấp dịch vụ nhận phí dịch vụ (thông thường tính bằng % của khoản vay) từ người đi vay và người cho vay.
(8) Khi khoản vay đáo hạn, người đi vay hoàn trả và nhà đầu tư (người cho vay) nhận lại gốc và lãi trên cơ sở chứng chỉ mà họ nắm giữ.
Có thể khái lược mô hình hoạt động của cho vay ngang hàng qua sơ đồ sau: (Sơ đồ)
Lưu ý rằng, nhà cung cấp dịch vụ (Platform) không phải là tổ chức nhận tiền gửi của khách, cũng không phải là người cho vay. Họ chỉ là trung gian kết nối giữa người đi vay và cho vay nên họ không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo bù đắp rủi ro. Họ cũng không phải đối mặt với rủi ro thanh khoản. Tiền vay không được phản ánh trên sổ sách của nhà cung cấp dịch vụ nên cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro hoặc thực hiện dự trữ bắt buộc như của các tổ chức tín dụng thông thường.
Cho vay ngang hàng có thể thực hiện theo mô hình chủ động hoặc thụ động. Đối với mô hình chủ động, nhà đầu tư được trực tiếp lựa chọn khoản vay thông qua việc tiếp cận các thông tin liên quan đến mức độ tín nhiệm của người vay như thu nhập hàng năm, mức độ sở hữu tài sản, mục đích sử dụng tiền vay… Những thông tin này được đính kèm với món vay (không nhất thiết phải gắn đích danh với chủ khoản vay). Ngược lại, ở mô hình thụ động, nhà đầu tư chỉ việc đưa một số tiêu chí cho nhà cung cấp dịch vụ như mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, thời hạn của khoản vay, mức lãi suất tối thiểu… và nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự động gán với các món vay đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một số yêu cầu chung mà không nhất thiết phải tìm hiểu rõ đặc điểm cụ thể của người vay. Cơ chế khớp nối lãi suất giữa người cho vay và người đi vay sẽ được thực hiện trên cơ sở các thuật toán phù hợp tương tự như việc khớp lệnh chứng khoán. Đến hết thời hạn, nếu không có đủ các nhà đầu tư tài trợ cho một khoản vay cụ thể, khoản vay đó sẽ được hủy và người cho vay có thể lựa chọn các món vay khác phù hợp hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, cho vay ngang hàng là hình thức cho vay hoàn toàn khác biệt so với hình thức cho vay truyền thống. Cho vay ngang hàng có nhiều lợi thế hơn so với cho vay truyền thống nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư. Những lợi thế của cho vay ngang hàng có thể kể ra gồm:
(1) Thủ tục nhanh chóng và đơn giản, phù hợp với các tổ chức cá nhân có quy mô nhỏ, thu nhập thấp, chỉ cần món vay nhỏ hoặc thời hạn ngắn.
(2) Chi phí thấp hơn đối với người đi vay và thu nhập cao hơn đối với người cho vay. Có được điều này là vì dịch vụ được cung cấp trên nền tảng Fintech nên không mất chi phí xây dựng mạng lưới phân phối và tác nghiệp như các kênh truyền thống. Việc chấm điểm tín nhiệm của khách hàng được thực hiện một cách tự động dựa vào phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và hệ thống dữ liệu được thu thập, kết nối tự động từ nhiều nguồn khác nhau như: dữ liệu dân cư, lịch sử mua sắm, lịch sử kinh doanh, lịch sử nộp thuế, tình trạng hôn nhân, quan hệ thân nhân, thu nhập thường xuyên… Nhà cung cấp dịch vụ chỉ thu phí dịch vụ ở mức độ phải chăng để có thể bù đắp được các chi phí giao dịch phát sinh nên chênh lệch cuối cùng giữa lãi suất đi vay và cho vay ở mức kinh tế hơn so với kênh truyền thống.
(3) Mức độ minh bạch thông tin cao, người cho vay được trực tiếp tham chiếu các thông tin liên quan đến người cho vay kể cả trước khi cho vay và giám sát mục đích sử dụng tiền vay. Mặt khác, mức độ bảo mật thông tin cũng tốt hơn do thông tin cả hai phía đều được mã hóa bằng công nghệ Block Chain. Nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm bảo mật thông tin cho cả người đi vay và cho vay.
(4) Cơ hội đa dạng hóa và quản lý rủi ro tốt hơn cho nhà đầu tư vì một nhà đầu tư có thể cho vay nhiều món với các khẩu vị rủi ro và thời hạn khác nhau. Kỳ hạn cho vay và đi vay được khớp với nhau một cách tuyệt đối nên không có rủi ro về khe hở kỳ hạn.
(5) Nhà đầu tư được cung cấp dịch vụ tư vấn đa dạng và trong nhiều trường hợp, nhà cung cấp dịch vụ hoạt động như một đơn vị ủy quyền thu nợ cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, là một kênh thu xếp tín dụng mới được phát minh trong thời gian chưa lâu, hình thức cho vay ngang hàng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Những rủi ro chính có thể xảy ra là:
(1) Rủi ro pháp lý: Ở khá nhiều nước (đặc biệt các nền kinh tế mới nổi), cho vay ngang hàng vẫn nằm trong khoảng hở pháp lý chưa được lấp đầy. Một số nước chưa công nhận tính pháp lý của cho vay ngang hàng cũng như một vài hình thức huy động và tài trợ vốn cộng đồng khác (chẳng hạn tiền ảo). Do vậy, nhà cung cấp dịch vụ có thể đối mặt với rủi ro bị cấm hoạt động hoặc hạn chế hoạt động. Trong trường hợp đó, quyền lợi của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng mà chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thị trường.
(2) Rủi ro mất vốn hoặc chậm trả do khoản cho vay của nhà đầu tư không được bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng truyền thống. Nhà đầu tư có thể mất vốn hoàn toàn hoặc một phần nếu người đi vay rơi vào tình trạng không thể hoàn trả được tiền vay vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Nhà cung cấp dịch vụ không có trách nhiệm phải đảm bảo hoàn trả tiền vay cho nhà đầu tư. Trên thực tế, một số nhà cung cấp dịch vụ có tạo lập một quỹ đề phòng bất trắc để trợ giúp nhà đầu tư, song, không có gì đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ được hoàn trả toàn bộ khi đổ vỡ xảy ra. Quỹ này nhằm làm tăng độ tin cậy của nhà đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ hơn là mục tiêu bù đắp thiệt hại.
(3) Rủi ro thanh khoản: Nhà đầu tư cho vay chỉ có thể được hoàn trả khi khoản vay đến hạn chứ không thể hủy ngang hợp đồng. Thị trường thứ cấp về các khoản vay ngang hàng hiện chưa phát triển nên việc chiết khấu hoặc bán lại khoản đầu tư không dễ dàng như các công cụ đầu tư truyền thống.
(4) Rủi ro vận hành: Cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng phát triển công nghệ nên rủi ro vận hành có thể xảy ra khi phần mềm bị lỗi hoặc ngưng hoạt động (hoặc đơn giản là nhà cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường). Khi đó các dữ liệu của khách hàng và điều kiện để dịch vụ được cung cấp liên tục sẽ bị ảnh hưởng. Nếu thị trường hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý thì nguy cơ mất trắng của nhà đầu tư hoàn toàn có thể xảy ra.
(5) Rủi ro đạo đức: Nhà cung cấp dịch vụ có thể mập mờ trong vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn cộng đồng rồi cho vay; thông đồng với người vay lập hồ sơ giả; mời gọi khách hàng bằng những thông tin thổi phồng; sử dụng tiền của nhà đầu tư cho các mục đích khác không đúng với mục đích vay ban đầu; khớp nối kỳ hạn của khoản vay không đúng nguyên tắc; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức để đầu tư mạo hiểm vào thị trường cho vay ngang hàng ăn chênh lệch… Tất cả những khả năng này đều có thể xảy ra, đặc biệt trong điều kiện hành lang pháp lý chưa rõ ràng và hiểu biết của người cho vay còn hạn chế.
2. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý cho vay ngang hàng
Cho vay ngang hàng đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2011 - 2015 đạt 163%/năm, châu Âu: 87,3% và Anh: 109,4%. Tại Trung Quốc, chỉ tính từ năm 2014 đến 2017, dư nợ cho vay ngang hàng đã tăng 29 lần, lên trên 1000 tỷ USD. Tính chung toàn cầu, từ 2014 đến 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường cho vay ngang hàng đạt xấp xỉ 120%. Cho vay ngang hàng hiện giờ chỉ chưa đến 1% so với thị trường cho vay truyền thống, song với tốc độ tăng trưởng 3 chữ số, không lâu nữa, cho vay ngang hàng sẽ đạt quy mô ấn tượng [1]. Mặc dù vậy, có một thực tế đáng chú ý là hiện nay, việc quản lý và ứng xử của chính phủ đối với hoạt động cho vay ngang hàng ở các quốc gia có sự khác biệt đáng kể. Một số nước coi tổ chức cung cấp dịch vụ này là một dạng khác của hoạt động kinh doanh ngân hàng, một số coi là tổ chức trung gian, một số thì không thừa nhận đó là hoạt động hợp pháp (tín dụng đen)... Có thể chia thành 4 nhóm cơ bản như sau:
(i) Bỏ ngỏ, chưa có quy định quản lý do chưa có định nghĩa rõ ràng về hình thức cho vay ngang hàng, thị trường phát triển một cách tự phát: Thuộc nhóm này gồm các nước như Trung Quốc [2], Ecuador, Ai Cập, Hàn Quốc, Tunisia. Đối với các nước này, hiện chỉ có một số các quy định quản lý trong một số văn bản pháp luật đã có nhằm bảo vệ người đi vay (luật dân sự, luật các tổ chức tín dụng…) như khống chế mức lãi suất vay (cấm cho vay nặng lãi), cấm việc quảng cáo, mời chào sai sự thật…
(ii) Ban hành quy định quản lý các Platform như một tổ chức trung gian cung cấp giải pháp công nghệ. Thuộc nhóm này gồm các nước Anh, Úc, Canada, New Zealand, Argentina. Luật pháp có các quy định về điều kiện tham gia thị trường, các quy định về vận hành, điều kiện cung cấp dịch vụ tín dụng và tư vấn tài chính. Một số nước có quy định cụ thể hơn về các điều kiện dự phòng kỹ thuật để đảm bảo sự hoạt động liên tục và lưu trữ dữ liệu khách hàng…
(iii) Coi là hoạt động ngân hàng và chịu các điều kiện quản lý như hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung gồm các nước: Pháp, Đức, Italy. Các nước này quan niệm đơn vị cung cấp Platform là đơn vị kinh doanh ngân hàng sử dụng công nghệ cao bởi cũng có hoạt động thẩm định, chấm điểm tín dụng khách hàng và cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính… Do vậy, muốn được hoạt động phải được sự cấp phép của cơ quan quản lý và phải tuân thủ các điều kiện về vốn tối thiểu, dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro… như các tổ chức kinh doanh ngân hàng khác.
(iv) Cấm hoạt động. Thuộc nhóm này hiện nay có Nhật Bản, Israel
Sự phân nhóm nói trên chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế, có một số nước thiết lập thể chế quản lý điều tiết hoạt động cho vay ngang hàng nằm ở giữa những cách đối xử đã nêu. Nghiên cứu sâu hơn về thị trường ở một số quốc gia nổi bật trong hoạt động cho vay ngang hàng cho thấy những kinh nghiệm bổ ích.
Anh
Ra đời sớm nhất trên thế giới, ZOPA là công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng đầu tiên đăng ký thành lập vào năm 2005. Ban đầu, ZOPA chỉ cung cấp Platform theo đúng nghĩa là trung gian kết nối giữa người cho vay và người vay (chủ yếu là cá nhân). Tuy nhiên, càng về sau, có thêm nhiều nhà cung cấp khác như Funding Circle, Rateseter… tham gia thị trường. Một số Platform đã phát triển thành tổ chức kiêm luôn cả việc cho vay và mở rộng đối tượng tham gia cả đối với các tổ chức (doanh nghiệp nhỏ). Theo báo cáo của Deloitte, tốc độ phát triển cho vay tiêu dùng bình quân từ 2010 - 2015 đạt 81,2%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng cho vay doanh nghiệp đạt 171,6% (xem hình 1).
Do hoạt động cho vay ngang hàng ngày càng mở rộng cả về quy mô, đối tượng tham gia và tính chất nên tháng 1/2014, cơ quan Quản lý Tài chính của Anh (Financial Conduct Authority (FCA)) đã ban hành quy định nhằm tăng cường mức độ an toàn của thị trường bằng cách yêu cầu bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải có các biện pháp đảm bảo quyền lợi của người đầu tư và người đi vay trong trường hợp Platform có vấn đề vận hành, minh bạch trong thông tin... Đặc biệt, nhà cung cấp dịch vụ được khuyến khích thành lập quỹ dự trữ để bù đắp tổn thất cho nhà đầu tư khi người vay không trả được nợ hoặc chậm trả. Nhà cung cấp dịch vụ cũng được khuyến khích tham gia vào các chính sách bảo hiểm nhẳm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Lending Works là một trong số các công ty đã thực hiện các chính sách này nhằm gia tăng độ tín nhiệm với khách hàng. Tuy nhiên, về cơ bản, Anh vẫn coi các nhà cung cấp dịch vụ P2P là tổ chức trung gian.
Mỹ
Prosper là Platform đầu tiên cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng ở Mỹ ra đời chỉ sau ZOPA ở Anh 1 năm (2006). Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này ở Mỹ lại đạt tốc độ nhanh hơn nhiều ở Anh. Trong năm 2014, tổng lượng cho vay ở thị trường ngang hàng toàn cầu đạt 23,7 tỷ USD thì thị phần tại Mỹ chiếm 51% (ở Anh khoảng 10% và Trung Quốc 38%). Khối lượng cho vay đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2015 và tính bình quân tỷ lệ tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 163,3%.
(Hình 2)
Mô hình hoạt động của P2P tại Mỹ có thể nói là khá khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới. Nhà cung cấp Platform chịu sự điều tiết của 2 cấp quản lý.
Ở cấp liên bang, chứng chỉ đầu tư của người cho vay được coi là một loại chứng khoán nên phải chấp hành theo tiêu chuẩn của Ủy ban Chứng khoán (SEC). Các khoản đầu tư dưới dạng cho vay phải được đăng ký theo từng khoản vay dưới sự dàn xếp của nhà cung cấp Platform. Các tổ chức cung cấp dịch vụ Platform được coi là các công ty đại chúng nên phải thực hiện chế độ báo cáo và công khai thông tin chi tiết liên quan đến các khoản đầu tư và vay mượn theo định kỳ hàng tháng. Cả ngân hàng đối tác (chịu trách nhiệm thẩm định và phát hành chứng chỉ đầu tư) và tổ chức cung cấp Platform phải tuân thủ theo các luật về kinh doanh ngân hàng, luật chuyển tiền điện tử, luật bảo mật thông tin, luật tài trợ vốn cộng đồng…
Ở cấp bang, hiện có những ứng xử khác nhau về cho vay ngang hàng. Một số bang cấm hoạt động, một số bang cho hoạt động hạn chế (yêu cầu cao đối với người cho vay và đi vay), một số bang cho hoạt động với điều kiện tuân thủ các điều kiện quy định của liên bang hoặc một số điều kiện khác. Nếu một đơn vị cung cấp dịch vụ Platform hoạt động ở nhiều bang thì phải tuân thủ các điều kiện chung của liên bang và các điều kiện cụ thể của từng bang.
Một đặc điểm đáng chú ý là tại Mỹ, sự hợp tác giữa các ngân hàng truyền thống và các Platform cho vay ngang hàng này càng phổ biến. Thông qua liên kết, các ngân hàng có điều kiện mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất cao hơn trong khi rủi ro được chuyển vào tay các nhà đầu tư cho vay. Theo đánh giá của Deloitte, mô hình này sẽ nở rộ trong tương lai tại thị trường Mỹ.
Do thị trường P2P ở Mỹ phát triển với tốc độ nhanh, có sự liên kết chéo giữa nhà cung cấp dịch vụ P2P và ngân hàng cho vay nên việc dự thảo các quy định quản lý trải qua những giai đoạn phức tạp. Cuối năm 2015, SEC quyết định áp dụng các quy tắc quản lý với hoạt động huy động và tài trợ vốn cộng đồng (Crowdfundings) cho hoạt động cho vay ngang hàng. Những nội dung chính là: (i) đặt giới hạn huy động vốn tối đa trong 1 năm; (ii) quy định trần tối đa mức đầu tư (được xác định theo tỷ lệ % của thu nhập hoặc tài sản hàng năm của người đầu tư và không vượt quá một mức giới hạn cứng); (iii) quy định bắt buộc việc phát hành chứng chỉ vay nợ phải thông qua một tổ chức trung gian (platform), đảm bảo công chúng có thể tiếp cận thông qua cổng Internet hoặc các phương tiện điện tử và tự do trao đổi thông tin về khoản vay; (iv) quy định điều kiện để một Platform có thể phát hành chứng chỉ vay nợ đối với các nhà đầu tư; và (v) quy định về việc minh bạch thông tin.
Như vậy, có thể nói khung pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng ở Mỹ khá phức tạp và chủ yếu dựa vào những nội dung sẵn có của khung pháp lý đối với hoạt động ngân hàng và hoạt động tài trợ vốn cộng đồng.
Trung Quốc
Công ty thực hiện dịch vụ P2P đầu tiên ở Trung quốc (Paipaidai) được thành lập năm 2007 (chỉ sau ZOPA 2 năm). Là một trong những quốc gia có quy mô và tốc độ phát triển cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới, số lượng các nhà cung cấp Platform tăng lên nhanh chóng - khoảng gần 3500 vào năm 2015 và ở thời điểm hiện tại khoảng gần 2000 - tập trung ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông… Dư nợ cho vay tăng vọt trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây (Hình 3).
Do sự nở rộ của hình thức cho vay ngang hàng nên thị trường có tính cạnh tranh cao. Lãi suất cho vay liên lục giảm mạnh từ chỗ bình quân khoảng 25%/năm (2014) xuống còn khoảng trung bình 12,5%/năm (2017). Do phát triển quá nóng trong điều kiện chưa có khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ nên thời gian gần đây, thị trường cho vay ngang hàng ở Trung Quốc xảy ra việc đổ vỡ hàng loạt. Tỷ lệ đổ vỡ tín dụng trong một số công ty cung cấp dịch vụ Platform có thể lên đến 35%. Nhiều Platform đã bị cấm hoạt động, hoặc vướng vòng lao lý. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc có nhiều động thái thắt chặt hoạt động cho vay ngang hàng bằng cách đưa ra những điều kiện đăng ký và hoạt động ngặt nghèo và đặt mục tiêu giảm số công ty cung cấp dịch vụ xuống còn khoảng 200 (tức bằng khoảng 1/10) hiện nay. Tuy nhiên, vốn dĩ nền kinh tế ngầm Trung Quốc là rất lớn nên hoạt động cho vay ngang hàng được dự đoán vẫn tiếp tục nóng và biến tướng dưới dạng tín dụng đen, đặc biệt ở những vùng dân cư ít có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống.
3. Một số hàm ý cho Việt Nam
Hình thức cho vay ngang hàng chưa phát triển ở Việt Nam theo đúng nghĩa của nó. Mới chỉ có một số ít các công ty thực hiện cho vay trực tuyến đăng ký dưới dạng công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính như Finsom, Lenbiz, Tima, SHA, Mobivi… (vì Việt Nam chưa cấp phép cho hoạt động dịch vụ cho vay ngang hàng. Trong số này, đáng chú ý là Tima là một Platform có nguồn gốc từ nước ngoài đã thực hiện cho vay ngang hàng bằng cách kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay (chủ yếu khách hàng cá nhân). Hiện đã có hàng nghìn khách hàng cho vay và đi vay thực hiện giao dịch qua Tima với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu hoạt động tại thị trường TPHCM. Trong khi đó, Lendbiz hoạt động tại thị trường Hà Nội liên kết với Platform Tima nhằm vào phân khúc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô khoản vay có thể lên đến 1 tỷ VNĐ không cần thế chấp. Nhà đầu tư (cho vay) có thể tham gia từ mức thấp nhất 500.000 VNĐ và hứa hẹn lãi suất khoảng 20%/năm. Ngoại trừ một số công ty có nguyên lý hoạt động cho vay ngang hàng khá rõ nét như trên, nhiều công ty hoạt động nhỏ lẻ dưới dạng cho vay trực tuyến, thủ tục gọn nhẹ, lãi suất cao, song, không rõ theo mô hình cho vay dân sự (tự huy động vốn dưới nhiều hình thức và cho vay không cần thế chấp) hay cho vay ngang hàng. Đối tượng tham gia cũng như mục đích cho vay hết sức đa dạng với mức lãi suất dao động từ 20 - 30%.
Tuy chưa phát triển, song, thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam được dự đoán là thị trường tiềm năng vì nhiều lý do. Lý do hàng đầu phải kể đến là vì mức điều kiện để tiếp cận dịch vụ tài chính từ thị trường truyền thống ở Việt Nam ở hàng thấp nhất thế giới. Theo điều tra của Worldbank thì có đến trên 70% dân số không có tài khoản chính thức tại ngân hàng. Thứ đến là thói quen sử dụng tiền mặt và vay mượn các khoản nhỏ cho tiêu dùng ở Việt Nam khá phổ biến, thủ tục đơn giản (đôi khi chỉ cam kết miệng) là cơ hội để hình thức cho vay ngang hàng phát triển. Ngoài ra, chi phí bôi trơn để tiếp cận dịch vụ truyền thống cũng là một rào cản để người vay tìm đến các kênh dịch vụ dễ tiếp cận hơn…
Mặc dù vậy, cho đến nay, chưa có một quy định cụ thể nào từ phía nhà nước liên quan đến việc tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này diễn ra đúng luật, đúng bản chất và an toàn cho cả nhà đầu tư và nhà sử dụng vốn. Thực tế này là sự tiềm ẩn rủi ro của thị trường. Hình thức cho vay ngang hàng rất có nguy cơ biến tướng thành tín dụng đen, lừa đảo, đổ vỡ dây chuyền như các hiện tượng đầu tư tiền ảo, đầu tư đa cấp… đánh vào lòng tham của nhà đầu tư như thời gian vừa qua. Tuy chưa thể ảnh hưởng lớn đến kênh tín dụng chính thức nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới và thực tiễn ở các nước thì cho vay ngang hàng là hiện tượng tất yếu nhờ tận dụng ưu thế của công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (tương tự như dịch vụ Uber, Grab trong dịch vụ vận chuyển). Vì vậy, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận và định hướng cho sự phát triển an toàn chứ không nên né tránh, không thừa nhận hoặc cấm đoán. Bài viết xin đề xuất một số khuyến nghị sau:
(1) Thừa nhận và cho phép sự hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ Platform như một tổ chức trung gian kết nối giữa người cho vay và người đi vay trên cơ sở có đăng ký kinh doanh theo các điều kiện quy định của pháp luật. Các quy định chi tiết gồm tiêu chuẩn kỹ thuật phần mềm trực tuyến; yêu cầu duy trì sự hoạt động liên tục của Platform; trách nhiệm định hạng tín dụng của người vay; trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; những hạn chế trong việc quảng cáo, mời chào và đặc biệt không đưa ra mức cam kết về mức lãi suất đầu tư hấp dẫn, trách nhiệm dẫn vốn đến nơi sử dụng theo đúng hợp đồng giữa người cho vay và người đi vay…
(2) Quy định các nội dung đảm bảo sự an toàn của thị trường như đưa ra giới hạn đầu tư tối đa của người cho vay và người đi vay theo thu nhập hoặc tài sản nắm giữ; quy định vốn an toàn tối thiểu của tổ chức cung cấp dịch vụ; cơ chế chuyển giao nền tảng khách hàng trong trường hợp ngưng hoạt động; cơ chế thiết lập quỹ dự phòng bù đắp rủi ro và khuyến khích tham gia mua bảo hiểm tín dụng cho nhà đầu tư.
(3) Quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn của quản trị viên điều hành, về cơ cấu thành viên, trụ sở hoạt động, nhân sự tổ chức và cho phép hay không cho phép Platform nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (kèm theo là các điều kiện bắt buôc).
(4) Quy định về bảo mật thông tin, về minh bạch hóa hoạt động…
(5) Quy định về thời hạn và nội dung báo cáo thông tin cho cơ quan quản lý (NHNN) theo định kỳ về khối lượng giao dịch, số vốn vay đã được thu xếp, tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu…
Tóm lại, Platform cho vay ngang hàng là sản phẩm kỳ diệu của Fintech. Nhờ nó mà một kênh chuyển vốn giữa các cá nhân và tổ chức được thực hiện nhanh, đơn giản và hiệu quả. Với những lợi thế về chi phí vận hành kết hợp với việc thu thập và xử lý thông tin tín dụng nhờ những thuật toán hiện đại, cho vay ngang hàng đang và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký của các trung gian tín dụng truyền thống. Sự bắt tay giữa các trung gian tín dụng truyền thống với Fintech nói chung và các Platform cho vay ngang hàng nói riêng trong tương lai là một xu hướng có thể dự đoán được. Mặc dù vậy, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, chưa có khung pháp lý đầy đủ cho loại hình này có điều kiện phát triển một cách lành mạnh. Nếu để phát triển một cách tự phát, rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Do vậy, thay vì né tránh hoặc cấm đoán, các cơ quan quản lý cần chủ động nghiên cứu và định hình khung pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng phát triển nhằm phát huy tối đa những lợi thế của loại hình này góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.