Ngày 19-9, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Dự hội nghị có đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc do đồng chí Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh trình bày tại hội nghị nêu rõ: Qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất quan trọng, nguồn lực tín dụng chính sách (TDCS) đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Qua 20 năm, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ 3 chương trình TDCS ban đầu, đến nay Chi nhánh NHCSXH Thanh Hóa đã cho vay 22 chương trình TDCS.
Nguồn vốn TDCS xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng dư nợ TDCS đến ngày 31-8-2022 đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng hơn 11.461 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 130,7%, với hơn 246.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ 1.308,1 tỷ đồng, với hơn 23,6 nghìn hộ đang vay vốn; chương trình cho vay hộ cận nghèo dư nợ 3.228,3 tỷ đồng, với gần 55,6 nghìn hộ cận nghèo còn dư nợ; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo dư nợ 2.281 tỷ đồng, với 39.000 hộ còn dư nợ; chương trình cho vay giải quyết việc làm dư nợ 943 tỷ đồng, với hơn 15.000 khách hàng đang vay vốn; chương trình cho vay học sinh, sinh viên dư nợ 144,8 tỷ đồng, với 4.066 hộ đang vay vốn; chương trình cho vay xuất khẩu lao động dư nợ 79,7 tỷ đồng, với 1.560 lao động đang vay vốn; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dư nợ 2.051,2 tỷ đồng, với gần 111.000 hộ đang vay vốn...
Hoạt động TDCS xã hội tại Thanh Hóa đã góp phần giúp trên 321.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 91.000 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn, giúp hơn 448,3 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng gần 637.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hơn 40.500 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có gần 2.600 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt; hơn 1.000 căn nhà ở xã hội, 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 841 người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã góp phần đưa Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của TDCS trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDCS trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương, cụ thể: cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 100% các điểm giao dịch cấp xã; chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…
Hoạt động TDCS nói chung, hoạt động của NHCSXH nói riêng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã làm tốt công tác điều hành, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH. Xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, phương thức cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới gồm 559 điểm giao dịch cấp xã và 6.610 tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các địa bàn, đã giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.
Chất lượng TDCS không ngừng được nâng cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. TDCS đóng góp tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Thành tựu đạt được của TDCS được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.
Hội nghị thống nhất đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, có một số mục tiêu như: căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 8-10%; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương được bổ sung hằng năm từ 60 tỷ đồng trở lên; đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh cũng như sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động TDCS.
Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam nhất trí cao với các mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề nghị tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch, đề án tổng thể thực hiện TDCS trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được trong triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, chất lượng hơn nữa công tác TDCS, đồng chí đề nghị UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, NHCSXH ThanH Hóa cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tập trung thực hiện các nội dung sau: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng các hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động của NHCSXH và của tỉnh về TDCS; đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của TDCS trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động TDCS. Phải xác định rõ TDCS là nguồn lực quanm trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng hạn mức vay, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng để các đối tượng chính sách, người nghèo dễ tiếp cận nguồn vốn; thực hiện thật tốt chủ trương xã hội hoá nguồn vốn TDCS, huy động ngày càng nhiều hơn nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức gửi vào NHCSXH để tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng lớn hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống NHCSXH hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Lồng ghép các mục tiêu hoạt động TDCS vào các kế hoạch hoạt động của ngành, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động TDCS với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình TDCS. Đối với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác phải thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các công đoạn mà NHCSXH đã ủy thác, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn bảo đảm hiệu quả bền vững; nắm chắc tình hình sử dụng vốn của hộ vay, có các hình thức hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, phù hợp để các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trả nợ đúng hạn của hội viên tham gia vay vốn.
Ban đại diện HĐQT của NHCSXH các cấp cần phát huy tốt hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên của Ban đại diện HĐQT để huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện tốt hơn nữa Nghị định 78 của Chính phủ ở địa phương. Đặc biệt phát huy thật tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở trong việc ủy thác cho vay, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn vay cũng như giám sát và thu hồi vốn vay bảo đảm công bằng, dân chủ công khai, minh bạch và hiệu quả.
Do những năm qua thu ngân sách địa phương chưa đáp ứng nhiệm vụ chi, nên việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH còn thấp hơn so với mặt bằng bình quân chung toàn quốc. Do vậy, từ nay thu ngân sách cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chi, tỉnh sẽ có kế hoạch sắp xếp nguồn vốn ngân sách địa phương bằng mức bình quân chung toàn quốc, bảo đảm 10% dư nợ đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Thi đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và tham luận của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của TDCS trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và công tác nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. NHCSXH Thanh Hóa chủ động triển khai, tham mưu với cấp có thẩm quyền cải cách thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn TDCS…
Nhân dịp này 27 tập thể và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002-2022 đã được nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.