Hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN) để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, mới có số ít CCN trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Còn lại nhiều CCN do gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc nên tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến lộ trình, mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng vào các CCN.
Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có 5 CCN đã được tích hợp vào Quy hoạch phát triển CCN tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm: CCN Đồng Thắng, CCN Nưa, CCN Hợp Thắng, CCN liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và CCN Đồng Thắng II. Hiện có CCN Đồng Thắng đã cơ bản được lấp đầy; CCN Nưa đã thu hút được Dự án Nhà máy Sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông Asphalt, gạch không nung của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Nam với diện tích 3,3 ha. Có 2 CCN là CCN liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và CCN Hợp Thắng đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện đầu tư của 2 CCN này đang được đánh giá chậm do các dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa làm cơ sở thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN. Còn lại, CCN Đồng Thắng II chưa đủ điều kiện thành lập.
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư vào các CCN, huyện Triệu Sơn đã và đang tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Huyện vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và các quy định của Nhà nước, của tỉnh để tập trung thực hiện bồi thường GPMB các dự án, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo địa bàn, lĩnh vực và đối tác cụ thể. Đồng thời, huyện đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đấu mối các doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, đầu tư vào địa bàn, nhất là các CCN. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, huyện đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị gửi lên cấp trên.
Tại huyện Vĩnh Lộc, có CCN Vĩnh Minh đang được Công ty TNHH BNB Hà Nội đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, với diện tích 12,7 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Hiện CCN này đang GPMB để đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Tuy nhiên, hiện còn một số diện tích chưa GPMB được do hộ dân chưa đồng thuận về giá bồi thường. Công ty TNHH BNB Hà Nội kiến nghị UBND huyện Vĩnh Lộc quan tâm hoàn thành diện tích GPMB.
Ngoài CCN Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc còn có CCN Vĩnh Hòa đã được Công ty CP Hạ tầng Việt Nga làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hiện, CCN này đã hoàn thành thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, do CCN phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết do phải đưa các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN trước khi thành lập ra ngoài CCN, nên tiến độ đầu tư vào CCN đang bị ảnh hưởng.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên cho các CCN, huyện Vĩnh Lộc đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp; gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền để các hộ dân hiểu về quy định trong bồi thường GPMB, từ đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Bên cạnh đó, huyện tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
Theo tổng hợp của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện đã thành lập được 44 CCN, với tổng diện tích 1.642,96 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư lũy kế vào các CCN đạt 1.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có 5 CCN cơ bản hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất; 5 CCN đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 7 CCN đang hoàn thành các thủ tục đầu tư, đang GPMB để thuê đất với Nhà nước; 13 CCN đang hoàn thành thủ tục đầu tư, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; 4 CCN chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện dự án, một số dự án chậm tiến độ cần phải xem xét thu hồi dự án; còn lại là các CCN mới thành lập.
Sở Công Thương đánh giá, so với kế hoạc và lộ trình phát triển thì nhiều CCN đang được đánh giá là chậm, bởi gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các CCN, trong đó có một số nhóm vấn đề chung, như: Giá thuê đất cao ảnh hưởng tới thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đề nghị sớm có thông báo điều chỉnh giá đất để làm cơ sở hoàn thiện thủ tục thuê đất. Kế hoạch sử dụng đất có muộn nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chuyển đổi đất lúa. Một số CCN xin bổ sung ngành nghề để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp...
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng các CCN, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào các CCN, Sở Công Thương đã và đang tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng CCN hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường... để thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN. Cùng với đó, sở cũng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các CCN.