Các doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Ngày 24-8, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần MISA tổ chức Hội nghị “Ứng dụng nền tảng số giúp doanh nghiệp vay vốn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh”. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp CĐS, như: Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn CĐS và áp dụng công nghệ số, nhằm thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác CĐS trong doanh nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; hiệu quả đạt được còn thấp, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của CĐS, chưa xác định được vấn đề, lộ trình để CĐS cho doanh nghiệp; đặc biệt còn có tâm lý lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số để tiếp cận nguồn vốn vay, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nghị đã thông tin đến doanh nghiệp các định hướng, chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về CĐS trong doanh nghiệp; hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về CĐS, giúp DNNVV nắm bắt được những công nghệ mới, rút ra được những kinh nghiệm từ những bài học thực tế của các doanh nghiệp đã CĐS thành công. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, giảm lãi suất vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đây còn là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe và có cái nhìn tổng quan nhằm đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng CĐS, nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn trên nền tảng công nghệ của các DNNVV trên địa bàn tỉnh, để tham mưu UBND tỉnh những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ DNNVV khắc phục khó khăn để từng bước CĐS thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa luôn đánh giá cao vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp nói chung và cộng đồng DNNVV nói riêng, đây chính là nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc hỗ trợ các DNNVV thực hiện CĐS luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp CĐS chiếm 50% trở lên trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS.
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền các cấp cần tiếp thục thực hiện hiệu quả công tác cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó cần có sự chung tay của cộng đồng DNNVV, chủ động nắm bắt cơ hội CĐS để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất, kinh doanh thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số.
Sở Thông tin và Truyền thông là cầu nối để kết nối với các doanh nghiệp có các nền tăng, giải pháp chuyển đổi số
Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian tới, đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có các phần mềm, giải pháp công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, hiệu quả trong hoạt động. Đặc biệt là ứng dụng ngân hàng số, các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đề nghị các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn các nền tảng ứng dụng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trên trang https://www.smedx.vn/.
Sở Thông tin và Truyền thông cam kết tạo điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số; là cầu nối để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có các nền tảng, giải pháp chuyển đối số. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị để giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Các ngân hàng đã tích cực cho ra các sản phẩm chuyển đổi số hiện đại, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp
Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của ngành, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung các nguồn lực thực hiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện nay, các ngân hàng đã tích cực cho ra các sản phẩm chuyển đổi số hiện đại, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Điển hình, như: VietinBank eFAST Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cung cấp nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp thực hiện giao dịch tài chính và quản lý tài khoản mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối Internet. BIDV iBank của Ngân hàng điện tử của BIDV đáp ứng các nhu cầu cho khách hàng tổ chức với các dịch vụ chính như: dịch vụ tài khoản, dịch vụ thanh toán (chuyển tiền trong nước, chuyển tiền quốc tế, thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia…), các dịch vụ tài trợ thương mại và ngoại hối, các dịch vụ quản lý khoản phải thu, phải trả… Techcombank Business Mobile giúp khách hàng doanh nghiệp chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ (điện, nước, thuế, hải quan...), chuyển tiền theo lô, trả lương và quản lý tài chính trên đa nền tảng và bảo mật nhiều loại giao dịch khác nhau...
Để doanh nghiệp có thể thụ hưởng chính sách vay vốn hiệu quả, các ngân hàng cần phổ biến, thông tin rộng rãi các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thông qua ứng dụng nền tảng số mà các ngân hàng thương mại đang cung cấp, để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Đồng thời, cần quan tâm đến công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu ứng dụng giao dịch trực tuyến, cung cấp vay vốn phải bảo mật, tránh rủi ro, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ điều khoản, thực hiện đúng các quy định, hồ sơ, các gói vốn vay khi thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng điện tử để nâng cao hiệu quả, tránh phát sinh các vấn đề liên quan.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa cuộc cách mạng chuyển đổi số đến từng doanh nghiệp; tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp. Vì mục tiêu biến thách thức thành cơ hội để bứt phá, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.